Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sau thời gian chống dịch sai cách, Anh lo sợ thành "Italia thứ 2"

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong các bình luận được đăng trên truyền thông Anh ngày 22/3, Thủ tướng Boris Johnson một lần nữa kêu gọi người dân ở nhà để ngăn chặn sự lây lan của virus, thậm chí cảnh báo khả năng Dịch vụ y tế quốc gia Anh (NHS) sẽ bị Covid-19 đánh bại, tương tự hệ thống y tế Italia chỉ trong 2 tuần.

Thủ tướng Anh Boris Johnson.

"Những người Italia có một hệ thống chăm sóc sức khỏe tuyệt vời. Tuy nhiên, các bác sĩ và y tá của họ đã hoàn toàn choáng ngợp trước dịch bệnh này", ông Johnson nói, "trừ khi chúng ta cùng nhau hành động, nỗ lực quốc gia và tập thể để làm chậm sự lây lan, thì rất có thể NHS của chúng ta cũng sẽ bị áp đảo tương tự".
Những cảnh báo từ nhà lãnh đạo đến vào thời điểm số ca dương tính với Covid-19 tại Anh đã vượt quá 5.000 người, với hơn 230 trường hợp tử vong. Trong 24h mới nhất, Anh có hơn 1.000 ca nhiễm mới, 56 ca tử vong.
Ngày 22/3 năm nay tại Anh còn là Ngày của Mẹ, vì vậy ông Johnson cũng nhấn mạnh người dân nên tránh xa cha mẹ - những người cao tuổi có nguy cơ chịu tổn thương nhất trong dịch Covid-19.
Trước đó, Chính phủ London đã ra lệnh đóng cửa các địa điểm công cộng, như quán rượu, nhà hàng, nhà hát, rạp chiếu phim... trên toàn quốc, khi người dân nước này dường như bỏ qua các khuyến cáo về việc tránh tụ tập đông người trong thời gian này. Lệnh hạn chế bắt đầu từ nửa đêm thứ 6 vừa qua cũng đã vấp phải phản ứng của không ít người dân ngay chính tại London.
Hiện chưa rõ sự thay đổi trong cách tiếp cận của giới chức Anh lúc này còn kịp thời để "xoay chuyển tình thế" - như lời Thủ tướng Johnson nói khi hồi đáp một lo ngại tại một cuộc họp báo, cho rằng khả năng Anh sẽ còn "tệ hơn Italia".
Biểu đồ mô phỏng diễn tiến dịch Covid-19 tại một số quốc gia có ca nhiễm tăng đáng chú ý trong tuần qua.
Cho đến đầu tuần này, chính quyền Thủ tướng Johnson được cho vẫn theo đuổi chính sách không hạn chế, phong tỏa để tạo ra khả năng "miễn dịch bầy đàn" - kết quả mà vaccine sẽ mang lại, không phải là việc để lây nhiễm tự do. Nhiều chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo phương thức này sẽ là một thảm họa - ít nhất là với tiềm lực y tế của Anh hiện nay - khi chỉ ra phương thức này có thể dẫn đến 250.000 ca tử vong tại Anh, cả do virus và vì một lượng bệnh nhân không thể được điều trị bởi một NHS quá tải.
London hiện đã phủ nhận biện pháp chống Covid-19 mạo hiểm này, nhưng một số quốc gia, bao gồm Hà Lan, vẫn đang tìm kiếm "miễn dịch bầy đàn", giữa bối cảnh thế giới chưa thể đạt được vaccine, và đường diễn tiến dịch bệnh tại hầu hết các nước đang trong tình trạng dốc đứng.