Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sau vụ xả súng ở Las Vegas: Nước Mỹ lại "nóng" chuyện kiểm soát súng đạn

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau vụ xả súng tại khách sạn và sòng bạc Mandalay Bay ở Las Vegas khiến ít nhất 59 người thiệt mạng và hơn 500 người khác bị thương trong đêm 1/10 (giờ địa phương), một mâu thuẫn âm ỉ bấy lâu trong lòng xã hội Mỹ lại được đưa ra: Vấn đề kiểm soát súng đạn.

Đây không phải lần đầu ở Mỹ xảy ra những vụ tương tự. Gần đây nhất xảy ra tại một hộp đêm ở TP Orlando (bang Florida) vào ngày 12/6/2016, khiến 49 người thiệt mạng. Vụ tấn công thứ hai xảy ra vào tháng 4/2007, khi một sinh viên Hàn Quốc xả súng tại Đại học Công nghệ Virginia ở thị trấn Blacksburg (bang Virginia) khiến 27 sinh viên cùng 5 giảng viên thiệt mạng, sau đó tự sát… Song vụ việc xảy ra ở khu nghỉ dưỡng và sòng bạc Mandalay Bay vừa qua được coi là vụ xả súng đẫm máu nhất trong lịch sử hiện đại của nước Mỹ. Đặc biệt, việc cảnh sát phát hiện 20 khẩu súng, hàng nghìn viên đạn ngay tại chính nơi ở của nghi phạm đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng sở hữu súng trường hạng nặng một cách dễ dãi, thậm chí dễ như "mua rau ở chợ" như một số nghị sĩ chỉ trích.

 Người dân hoảng loạn sau vụ xả súng ở Khách sạn và Sòng bạc Mandalay Bay ở Las Vegas.

Tại Mỹ, giá bán một khẩu súng không hề đắt. Chỉ với 300 - 500 USD, một người dân có thể sở hữu súng ngắn đi kèm với một băng đạn; những mẫu súng đắt tiền như tiểu liên cũng chỉ rơi vào khoảng trên dưới 1.500 USD. Ngoài mua súng tại các cửa hàng hợp pháp, mua bán súng tại thị trường chợ đen chiếm đến 2/5 lượng giao dịch.

Bên cạnh đó, những kẻ cực đoan như nghi phạm Stephen Paddock trong vụ xả súng tại Las Vegas cũng dễ dàng "lách" luật để sở hữu một khẩu súng trường tự động. Theo các chuyên gia, các nghi phạm thường cải tiến những khẩu súng bán tự động được bán hợp pháp thành vũ khí có độ sát thương cao.

Ngay sau khi vụ việc xảy ra, cựu nghị sỹ bang Arizona Gabrielle Giffords đã lên tiếng kêu gọi chính quyền và Quốc hội nước này mở lại cuộc thảo luận về kiểm soát vũ khí. Bên cạnh đó, những người phản đối việc sở hữu súng đạn cho rằng, việc dễ dàng cấp giấy phép sử dụng sẽ khiến những kẻ tấn công trở nên nguy hiểm hơn, làm gia tăng nguy cơ xảy ra những vụ xả súng quy mô lớn gây nhiều thương vong.

Nhiều nghị sĩ đảng Dân chủ đã lên tiếng yêu cầu Quốc hội Mỹ tái thảo luận Dự luật kiểm soát chặt chẽ hơn việc mua bán và sở hữu vũ khí. Tuy nhiên, các nghị sĩ đảng Cộng hòa vẫn giữ im lặng. Trong khi đó, tại một cuộc họp mới nhất, Người phát ngôn Nhà Trắng Sarah Sanders cho biết, hiện vẫn còn quá sớm để thúc đẩy việc trở lại thảo luận Dự luật kiểm soát vũ khí. Trước đó, vào năm 2013, nỗ lực thông qua Dự luật trên đã thất bại, sau khi gặp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các nhóm lợi ích liên quan, trong đó có Hiệp hội súng trường quốc gia Mỹ. Cựu Tổng thống Barack Obama từng rơi nước mắt vì không thể đạt được mong muốn thực thi các yêu cầu nghiêm ngặt cho thủ tục mua súng.

Theo Tổ chức phi chính phủ Gun Violence Archive, trong 9 tháng đầu năm nay đã có 11.650 người ở Mỹ chết vì súng đạn (chưa tính số tự tử bằng súng), và có tổng cộng 273 vụ xả súng nhằm giết người hàng loạt.