Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sẻ chia để phát triển khởi nghiệp

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hướng tới mục tiêu là cái nôi của sáng tạo khởi nghiệp, thời gian qua, TP Hà Nội có nhiều giải pháp tạo môi trường, đồng hành và phục vụ cho các DN khởi nghiệp với các chương trình sẻ chia, hoạt động kết nối giao thương, cũng như ươm tạo cho các ý tưởng, nhất là với các DN công nghệ thông tin (CNTT).

Cơ hội tìm kiếm đối tác
Thực hiện chủ trương phát triển Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của TP Hà Nội, Vườn ươm DN CNTT đổi mới sáng tạo Hà Nội (HBI-IT) đã phát huy hiệu quả vai trò của tổ chức hỗ trợ phát triển DN CNTT khởi nghiệp. Mới đây nhất, Sở TT&TT Hà Nội đã phối hợp với Cơ quan Xúc tiến Công nghiệp Tri thức tỉnh Chungbuk (CBKIPA) - Hàn Quốc tổ chức “Hội thảo Kết nối DN ICT Việt Nam - Hàn Quốc” đã tạo cơ hội hợp tác giữa các DN CNTT hai nước. Theo Quản lý Marketing của Công ty Hanet Vũ Hoàng Anh, tuy thành lập được 10 năm nhưng kinh nghiệm quản lý sử dụng các công cụ, ứng dụng CNTT trong quản trị DN của đơn vị vẫn còn hạn chế. Vì vậy, Công ty muốn có một sản phẩm đơn giản dễ sử dụng với nhiều tính năng, trong đó có thể đặt lịch, kế hoạch theo tuần, tháng, ngày… quản lý công việc, sự kiện cho các DN…

Chia sẻ thảo luận tại cuộc thi khởi nghiệp của trường Đại học Kinh tế Quốc dân năm 2017. Ảnh: Hoàng Anh

Trong khi đó, chia sẻ và giới thiệu về dự án đang triển khai của DN, ông Phạm Vũ Linh, đại diện Công ty CP Công nghệ và giáo dục UMI cho rằng, tính năng của bộ sản phẩm của Công ty với mục tiêu đào tạo từ cơ bản đến nâng cao các kiến thức về lập trình và chế tạo cho các em học sinh từ năm cuối tiểu học đến cấp phổ thông trước khi vào đại học để có thể tạo ra sản phẩm ứng dụng trong cuộc sống hàng ngày. Nghĩa là, đưa cho các học sinh những dự án tự thực hiện nhằm phát triển năng lực tư duy, công nghệ, làm sản phẩm cá nhân và theo nhóm. Đặc biệt, giá thành khi thực hiện ý tưởng thấp bởi mạng lưới các lab chế tác trên toàn cầu cung cấp thông tin, các video hướng dẫn… ngay  kể cả học sinh ở vùng nông thôn cũng có thể tiếp cận, cũng như trải nghiệm công nghệ, học làm sản phẩm (online, offline) và chia sẻ với bạn bè…
Thực tế, các DN Việt Nam đều mong muốn hợp tác được với các DN Hàn Quốc vốn có thế mạnh về CNTT sẽ rất hữu ích trong việc hoàn thiện hơn các ứng dụng vào thực tiễn. Từ đó tạo cơ hội cho DN hai nước tìm kiếm đối tác đầu tư, hợp tác cùng nhau phát triển.
Hướng đến mục tiêu chung
Theo Chủ tịch CBKIPA Lee Don Woo, việc hợp tác với các DN Hà Nội sẽ là cơ hội cho các DN ICT Hàn Quốc mở rộng thị trường, thúc đẩy đầu tư vào Việt Nam. Để hỗ trợ cho các DN giữa hai nước có nhiều sự hợp tác trong lĩnh vực CNTT, Việt Nam và Hàn Quốc có thể phát triển nhiều dự án ICT như truyền tải công nghệ, truyền thông…
Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2020  xây dựng và hoàn thành Chính phủ điện tử; xây dựng nền tảng cơ bản TP thông minh. Để đạt được mục tiêu này, TP ưu tiên thúc đẩy, hỗ trợ DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với mục tiêu sẽ có 200.000 DN thành lập mới, nhất là DN đổi mới sáng tạo. Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội Phan Lan Tú cho biết, sự hợp tác với các DN CNTT Hàn Quốc nhằm hiện thực hóa mục tiêu trên, từ đó đem lại cơ hội hợp tác DN công nghệ đổi mới sáng tạo CNTT của Hà Nội. Qua việc kết nối giao thương với các DN CNTT Hàn Quốc nhằm trao đổi những giải pháp, những sản phẩm tiềm năng để sớm được đưa vào hiện thực… và góp phần vào mục tiêu chung của TP. 
Việc tổ chức những hoạt động kết nối cho các DN CNTT, nhất là khu vực khởi nghiệp của TP Hà Nội với DN nước ngoài là cơ hội giúp các DN khởi nghiệp cọ sát với thực tế hoạt động xúc tiến đầu tư, tìm kiếm nguồn vốn và nhà đầu tư. Hoạt động này sẽ góp phần giới thiệu hình ảnh của Vườn ươm DN CNTT đổi mới sáng tạo Hà Nội, thu hút ngày càng đông các nhóm khởi nghiệp gia nhập Vườn ươm vào giai đoạn tới.
Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội Phan Lan Tú