Cụ thể, Bộ KH&CN đề xuất xây dựng Đề án tổng thể về triển khai, áp dụng và quản lý tem truy xuất nguồn gốc nhằm triển khai thực hiện việc áp dụng tem truy xuất nguồn gốc đối với 3 nhóm sản phẩm, hàng hoá trong nước: nhóm các sản phẩm y tế, nông sản thực phẩm, sản phẩm công nghiệp nhẹ.
Bên cạnh đó, xây dựng Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hoá quốc gia do Bộ KH&CN quản lý và vận hành sử dụng. Nghiên cứu khoa học, đào tạo, bồi dưỡng, thông tin, tuyên truyền và hợp tác quốc tế về truy xuất nguồn gốc, tem truy xuất nguồn gốc.
Đồng thời, lập kế hoạch thực hiện tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức đến người dân và các đối tượng thuộc mọi thành phần tham gia kinh doanh, cơ quan nhà nước có chức năng quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hoá về hoạt động truy xuất nguồn gốc, tem truy xuất nguồn gốc; hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp chủ động áp dụng tem truy xuất nguồn gốc trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ảnh minh họa: Vina CHG |
Theo Bộ KH&CN, việc sử dụng tem truy xuất nguồn gốc trên các sản phẩm, hàng hóa ngày càng trở nên phổ biến, người tiêu dùng và các bên liên quan có thể truy xuất thông tin nhanh chóng, chính xác, qua đó nâng cao niềm tin của người tiêu dùng vào các sản phẩm có gắn tem truy xuất nguồn gốc...
Tuy nhiên, hoạt động truy xuất nguồn gốc và áp dụng tem truy xuất nguồn gốc tại Việt Nam hiện còn tồn tại một số vấn đề hạn chế như: việc sử dụng tem truy xuất nguồn gốc chưa thống nhất, bài bản; chất lượng sản phẩm không đúng như thông tin truy xuất; người tiêu dùng chưa quen với việc cài đặt, sử dụng ứng dụng truy xuất nguồn gốc...
Nguyên nhân của các bất cập này là do việc triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc mới chỉ triển khai thí điểm ở một số địa phương và thị trường lớn (TP.HCM, Hà Nội…), chưa có quy định, hướng dẫn thống nhất của các Bộ, ngành và cơ quan có liên quan.
Hơn nữa, tem truy xuất nguồn gốc áp dụng trên các sản phẩm hiện nay không được chuẩn hóa về nội dung và hình thức nên người tiêu dùng không thể phân biệt giữa tem truy xuất nguồn gốc với các loại dấu hiệu nhãn khác. Các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng khó khăn trong việc tự nghiên cứu, xây dựng triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc cho từng sản phẩm, nhóm sản phẩm ngành hàng cụ thể.
Ngoài ra, do các hệ thống truy xuất nguồn gốc hiện tại thường sử dụng các mã phân định có cấu trúc tự đặt chỉ có giá trị phân định trong phạm vi nội bộ, mà không sử dụng các hệ thống mã phân định toàn cầu nên hệ thống truy xuất nguồn gốc ở Việt Nam hiện nay thường không có khả năng tham gia vào hệ thống truy xuất nguồn gốc khác.
Bên cạn đó, do không có sự quản lý và điều phối chung về cấu trúc mã phân định nên rất dễ xảy ra trường hợp trùng mã giữa các hệ thống truy xuất nguồn gốc khác nhau…
Chính vì vậy, Bộ KH&CN đã đề xuất xây dựng Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hoá quốc gia do Bộ quản lý và vận hành sử dụng. Hiện Bộ KH&CN đang lấy ý kiến góp ý dự thảo này trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ.