Tuy nhiên, sau đó, Hà Nội được mở rộng địa giới hành chính (tháng 8/2008), dự án xây dựng TP ven sông với sự giúp đỡ của Hàn Quốc đã không còn phù hợp. Mới đây, TP đã khởi động lại dự án này với chủ trương mời chuyên gia nước ngoài tham gia tư vấn lập quy hoạch, kinh phí do 3 đơn vị DN trong nước tài trợ. Đây là một chủ trương đúng, phù hợp với sự phát triển của xã hội, tuy nhiên để có một TP hai bên sông Hồng, chúng ta phải tính toán, giải quyết nhiều vấn đề quan trọng.
Thành phố ven sông - tại sao không?Theo KTS Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam, trong Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011 về Quy hoạch chung Xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, có một điều quan trọng: Sông Hồng sẽ là một trục cảnh quan quan trọng nhất của Thủ đô trong bố cục quy hoạch TP Hà Nội.
Hay nói cách khác, sông Hồng sẽ trở thành một không gian để chúng ta tổ chức cảnh quan đô thị dọc hai bên bờ sông Hồng trong quá trình phát triển đô thị và phát triển bền vững trong quá trình đô thị hóa. Vì đây là một không gian mặt nước kết hợp với cây xanh ở hai bên bờ sông và các cù lao giữa sông tạo nên một diện tích cây xanh lớn cho Thủ đô, là lá phổi xanh đặc biệt của Hà Nội. Vì vậy, quy hoạch đô thị hai bên sông Hồng cho Thủ đô tính từ cầu Thượng Cát xuống đến cầu Thanh Trì chính là đoạn cần phải nghiên cứu về tổ chức không gian kiến trúc đô thị.
Trên thế giới, hầu như các đô thị nổi tiếng đều có dòng sông chảy qua như sông Saint của Paris (Pháp), sông Thames của London (Anh), sông Matxcơva của Matxcơva (Nga)... Những con sông nổi tiếng qua các đô thị đó đều gắn liền với lịch sử phát triển đô thị của mình. Ở các nước xung quanh chúng ta, các TP Seoul (Hàn Quốc) có sông Hàn, Bangkok (Thái Lan) có sông Chao Phraya, Thượng Hải (Trung Quốc) có sông Hoàng Phố... Còn ở Việt Nam, những dòng sông tạo nên thương hiệu của đô thị như sông Hàn của Đà Nẵng, sông Sài Gòn của TP Hồ Chí Minh và nhất là sông Hương của cố đô Huế đã dựng lên địa danh “Huế mộng Huế mơ”. Sông Hồng đoạn chảy qua Hà Nội là dòng chảy khá đặc biệt nhưng cũng là dòng sông gắn liền với lịch sử phát triển của Thủ đô, chúng ta có trách nhiệm khai thác sông Hồng xứng tầm với sự phát triển Thủ đô với quan điểm xanh – văn hiến - văn minh - hiện đại.
Cùng quan điểm GS.TSKH Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT cho rằng: Việc nghiên cứu quy hoạch hai bên bờ sông Hồng là cần thiết, vì dòng sông này có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của TP. Chức năng của việc quy hoạch ở đây không những phục vụ việc phát triển cảnh quan, kinh tế mà còn trị thủy. Vấn đề quy hoạch ra sao và thực hiện thế nào mới là một câu chuyện cần được đặt ra.
Còn theo Giám đốc Công ty Du lịch Hà Nội (Hanoitourist) Lưu Đức Kế: Khu vực bãi giữa và dọc hai bên sông Hồng rất giàu tiềm năng phát triển du lịch. Nếu quy hoạch tốt, trong tương lai, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng du lịch sông Hồng phát triển vượt sông Hàn ở Đà Nẵng, sông Hương ở Huế, hay sông Sài Gòn ở TP Hồ Chí Minh. Bởi lẽ, sông Hồng có nhiều bãi giữa, chúng ta có thể xây dựng một khu liên hợp vui chơi giải trí tầm cỡ quốc tế chạy dọc đoạn sông Hồng qua Hà Nội. Du khách có thể vừa du lịch đường sông, khám phá các di tích lịch sử, vừa được trải nghiệm các trò chơi, dịch vụ giải trí hiện đại… Cũng theo ông Kế, muốn biến sông Hồng trở thành điểm đến hấp dẫn bậc nhất của Hà Nội không khó, nhưng còn rất nhiều việc phải làm, và tốn không ít thời gian để thực hiện.
Từ xây dựng quy hoạch đến ổn định nguồn nướcKhởi động lại quy hoạch hai bên sông Hồng lần này, mục tiêu của TP là nhằm phát triển không gian cảnh quan tự nhiên, văn hóa, giải trí; cải tạo chỉnh trang, tái thiết khu vực đô thị hiện hữu kết hợp với phát triển đô thị mới, xây dựng hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật, tạo lập môi trường sống có chất lượng tốt trong khu vực trung tâm đô thị; thúc đẩy công tác tái thiết, phát triển đô thị hai bên sông Hồng và phát triển đô thị, kinh tế - xã hội chung của Thủ đô. Song, để biến ý tưởng thành hiện thực, ngoài việc giải quyết những khó khăn như GPMB; điều chỉnh các quy hoạch đã được phê duyệt cho phù hợp với tình hình thực tế; những quy định pháp luật về phòng chống lũ lụt, bảo vệ đê điều... Hà Nội còn phải tính đến vấn đề duy trì nguồn nước của dòng sông.
|
Cầu Nhật Tân - cây cầu thứ 7 trong tổng số các cây cầu qua sông Hồng tại Hà Nội |
Theo KTS Trần Ngọc Chính, việc khai thác và lập quy hoạch dòng sông Hồng cần chú trọng tới các vấn đề như: Sử dụng tài nguyên nước, giao thông thủy, du lịch, tổ chức bố trí giao thông hai bên bờ sông Hồng gắn với việc bảo tồn văn hóa truyền thống và tổ chức hệ thống đô thị. Như vậy, khai thác sông Hồng là khai thác giá trị tổng hợp của nó.
Để xây dựng quy hoạch TP hai bên sông phát triển hiện đại và bền vững, thì quan trọng là các ngành, các cấp phải cùng vào cuộc. Đặc biệt, UBND TP Hà Nội là cơ quan đứng ra chủ trì để lập quy hoạch hai bên sông Hồng. Trong đó, việc đầu tiên là phải làm rõ các vấn đề pháp lý đối với sông Hồng đoạn qua Hà Nội, nhất là về vấn đề phạm vi thoát lũ. Phải xây dựng được một quy chế để khai thác không gian xung quanh hai bờ sông Hồng như thế nào cho phù hợp. Trên cơ sở đó, chúng ta phải có một quy hoạch mà được ưu tiên đối với tổ chức khai thác cảnh quan hai bên sông với việc sử dụng diện tích đất cho xây dựng phải hợp lý: Diện tích đất trồng cây xanh, diện tích mặt nước lúc lớn nhất cũng như lúc thấp nhất, tổ chức những bãi đỗ xe, các công viên, khu vui chơi giải trí và tổ hợp những không gian kiến trúc nghệ thuật dọc hai bên bờ sông. Tùy từng địa điểm, từ phía Bắc và phía Nam của sông Hồng để xây dựng những không gian đô thị thích ứng kết nối hệ thống cầu và hệ thống giao thông để tạo nên một tổ hợp không gian kiến trúc cảnh quan hai bên bờ sông theo đúng chức năng và tỷ lệ (kích thước đô thị hợp lý).
Một điều nữa cũng phải nhấn mạnh, là việc kiến thiết những khu nhà cao tầng mật độ như thế nào ở khu vực ven sông, làng xóm ven sông cũng như làng nghề truyền thống cũng được nghiên cứu bài bản (như Làng gốm Bát Tràng chẳng hạn). Vấn đề chiếu sáng cho cảnh quan hai bên sông Hồng và chiếu sáng trên những cây cầu cũng là một vấn đề cần được nghiên cứu. Phải có nghiên cứu về kiến trúc cầu cũng như chiếu sáng nghệ thuật trên cầu qua sông Hồng.
Bên cạnh đó, theo GS.TSKH Đặng Hùng Võ, khi nghiên cứu lập quy hoạch sông Hồng được triển khai thì cần tính đến vấn đề di dân ở khu vực lòng sông. Ở khu vực này hiện nay, dân cư được chia thành nhiều nhóm. Có nhóm là dân tứ xứ đến lấn chiếm đất bãi sông Hồng cư ngụ không chính thức. Cũng có nhóm Nhà nước bố trí tái định cư ở đây. Vì vậy, vấn đề GPMB là vấn đề quan trọng cần được đặt ra đối với những đại dự án như thế này. Ở đây, GPMB là bài toán khó do số lượng đông, hoàn cảnh và nghề nghiệp cũng khác nhau… Tình trạng này dẫn đến hoàn cảnh tái định cư rất phức tạp. Tuy nhiên lại là bài toán dứt khoát phải giải, bởi vì nếu cứ để khu vực bãi sông Hồng như thế này thì không phải là một TP phát triển. Chính sách bồi thường hỗ trợ tái định cư tuy có rồi nhưng áp dụng trong môi trường đô thị phức tạp này cũng là điều cần cân nhắc kỹ. Có thể có nhiều vấn đề về chính sách chưa đúng với hoàn cảnh bãi sông Hồng hiện nay, nhất là những trường hợp mà lấn chiếm đất đai, chưa có hộ khẩu chính thức. Diện này khá nhiều, thậm chí có nơi còn chứa chấp cả tệ nạn xã hội. Do vậy, nếu GPMB được thì chúng ta đã giải quyết được vấn đề quan trọng không chỉ cho dự án mà còn là bài toán mà Hà Nội phải làm.
Cũng theo GS.TSKH Đặng Hùng Võ, thực tế có thể tạo quỹ đất khu đô thị mới ở cả phía Bắc và phía Nam sông Hồng. Khi lập quy hoạch sẽ phải dự trù bài toán quỹ đất để di dời cho bà con đến khu vực khác. Cũng có thể không nhất thiết phải di cư mà cũng có thể kiến tạo ngay một khu đô thị ven sông để tái định cư tại chỗ. Tất nhiên phải điều chỉnh kế hoạch chung thì mới có thể có hướng giải quyết thích hợp nhất. Việc giải quyết không thể làm ngay, làm nhanh được mà cần phải có một lộ trình. Theo KTS Trần Huy Ánh, TP bên sông thì sông phải có nước, bởi nếu không có nước, TP nằm cạnh đất bãi trơ đáy, hoặc ít nước thì sông sẽ ô nhiễm rất nhanh. Vì vậy, những nhà quy hoạch trước khi vẽ nhà bên sông thì cần phải bỏ công tìm hiểu mạch nguồn nước sông Hồng ở đâu và có những phương án dự phòng.
Tháng 12/2016, thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND TP Hà Nội về việc lập quy hoạch hai bên sông Hồng theo định hướng xây dựng công viên kết hợp với đô thị, Sở QH - KT Hà Nội cho biết sẽ thực hiện theo hướng mời tư vấn quốc tế nghiên cứu quy hoạch hai bên sông Hồng. Để thực hiện được quy hoạch, Sở QH - KT sẽ tham mưu, đề xuất UBND TP Hà Nội ban hành quyết định thành lập Ban chỉ đạo tổ chức lập quy hoạch dọc hai bên sông Hồng. Đồng thời, phối hợp với Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội chủ trì, phối hợp với các đơn vị tư vấn nước ngoài có năng lực, kinh nghiệm, đã nghiên cứu lập quy hoạch đô thị hai bên bờ sông để thực hiện đồ án quy hoạch, trình thẩm định, phê duyệt theo quy định. (Vân Hằng) |
Tháng 9/2016, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã đồng ý việc nghiên cứu lập quy hoạch dọc hai bên sông Hồng theo đề xuất của Ban Cán sự Đảng UBND TP. Kinh phí lập quy hoạch do 3 đơn vị gồm: Công ty Cổ phần Tập đoàn Mặt trời; Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Tổng hợp Hà Nội và Tập đoàn VINGROUP - Công ty Cổ phần tài trợ. Trước đó, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội, Sở QH - KT dừng việc nghiên cứu quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng (R1-5) và bàn giao toàn bộ hồ sơ, tài liệu có liên quan của đồ án cho đại diện nhà đầu tư nghiên cứu lập quy hoạch dọc hai bên sông Hồng bằng nguồn vốn tài trợ của liên danh, mời tư vấn nước ngoài nghiên cứu để phát huy hiệu quả quỹ đất hai bên sông Hồng. (Đức Minh) |