Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sẽ có một Hà Nội như thế

KTS Phạm Thanh Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 1. Những ngày tháng 10 cuối Thu này, nếu có dịp từ trung tâm nội đô lịch sử đi vòng quanh Hà Nội từ vành đai 1 đến Vành đai 3 rồi 3,5 ta sẽ thấy một sự phát triển vượt bậc theo hướng văn minh hiện đại của TP mà cách đây 12 năm không thể có được (khi Hà Nội chính thức được mở rộng gấp 3,6 lần, dân số tăng từ 3,4 triệu lên 6,2 triệu bằng Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 ngày 29/5/2008, Quốc hội khóa XII ).

Trải qua hơn một thập niên phát triển, đặc biệt là sau khi Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến 2020 tầm nhìn 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (tháng 11/2011), kiến trúc đô thị Hà Nội thực sự bước vào cuộc đổi thay lịch sử.
Dẫu biết rằng, trong quá trình phát triển đầy tự hào và cũng rất gian khó này, thì bên cạnh những thành tựu về kinh tế - xã hội đã đạt được, Hà Nội còn rất nhiều vấn đề tồn tại, nhiều bật cập nảy sinh phải giải quyết, thậm chí phải điều chỉnh cả Quy hoạch chung 2011 để phù hợp với yêu cầu phát triển của Thủ đô và đòi hỏi của Nhân dân trong một tầm cao mới.
 
2. Tôi là người Hà Nội, sinh ra và gắn bó cả cuộc đời với mảnh đất Rồng bay, nên mỗi một biến đổi của Hà Nội thân yêu cũng để lại cho tôi nhiều cảm xúc. Ngày hôm nay, sông Hồng, dòng sông huyền thoại đỏ phù sa đã nằm gọn trong lòng TP Hà Nội.

Theo quy hoạch, sẽ có 18 cây cầu bắc qua sông Hồng. Ngoài 3 cây cầu cũ là Thăng Long, Long Biên, Chương Dương và 5 cầu mới xây dựng là cầu Thanh Trì, Vĩnh Tuy (giai đoạn 1), Nhật Tân, Việt Trì, Vĩnh Thịnh, thì sắp tới đây Hà Nội sẽ có 10 cây cầu là cầu Hồng Hà, Mễ Sở (Vành đai 4), Thăng Long mới (Vành đai 3), Tứ Liên, Vĩnh Tuy (giai đoạn 2), Thượng Cát, Ngọc Hồi (Vành đai 3,5), Trần Hưng Đạo, Phú Xuyên trên đường cao tốc Tây Bắc - Quốc lộ 5 và cầu Vân Phúc (đường trục Bắc - Nam nối với tỉnh Vĩnh Phúc phục vụ giao thông liên tỉnh).

Bên cạnh những khu đô thị mới như Ciputra, An Khánh, Mỹ Đình, Mỗ Lao… các cây cầu sẽ là động lực để thành phố phát triển mạnh về hướng Bắc với các dự án đô thị mới hiện đại, hạ tầng kỹ thuật - xã hội đồng bộ, với kiến trúc xanh và có bản sắc như Gramuda, Vinhomes Times City, Vinhomes River Side, Đặng Xá, Vincity Ocean Park… góp phần giải quyết nhu cầu nhà ở cho các tầng lớp cư dân Thủ đô, đặc biệt là nhà ở cho người thu nhập thấp.
 Cầu Nhật Tân, Hà Nội

Khu vực hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài đã có nhiều dự án lớn đang chuyển động triển khai đó là Công viên Kim Quy, Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia, đô thị thông minh (Đông Anh). Cùng với đó, hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị cũng đã và đang được xây dựng đồng bộ và hiện đại hóa, như hệ thống đường vành đai, trục hướng tâm gắn với nâng cao năng lực vận chuyển hành khách công cộng và hạ tầng xã hội, triển khai một số tuyến đường sắt đô thị. Nhiều công trình giao thông trọng điểm được hoàn thành như đoạn Ô Đông Mác - Nguyễn Khoái (Vành đai 1), Nhật Tân - Cầu Giấy và Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng (Vành đai 2), đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long (Vành đai 3)… đã góp phần quan trọng giải quyết ách tắc, xung đột trong giao thông, đáp ứng yêu cầu phục vụ dân sinh và phát triển của TP.

Công cuộc đô thị hóa mạnh mẽ và phong trào xây dựng nông thôn mới đã làm cho khu vực nông thôn ngoại đô được đổi mới với hệ thống điện - đường - trường - trạm khang trang, đời sống nông dân được cải thiện và từng bước nâng cao. Tỷ lệ hộ nghèo từ 40% khi sáp nhập đến nay đã giảm chỉ còn hơn 2%. Trong khu vực lõi của nội đô, những công trình kiến trúc có giá trị văn hóa lịch sử đặc biệt tiêu biểu cho từng giai đoạn phát triển của lịch sử ngàn năm Thăng Long - Hà Nội như Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, khu phố cổ, phố cũ, khu vực Hồ Gươm hay các kiến trúc có giá trị thời thuộc Pháp… được quan tâm, chăm sóc bảo tồn và cải tạo để phát huy giá trị phục vụ nhu cầu phát triển của thời đại, mà việc đưa không gian quanh Hồ Hoàn kiếm trở thành nơi đi bộ và hoạt động văn hóa, du lịch cộng đồng… hấp dẫn, được nhân dân ủng hộ là bài học thành công rất đáng ghi nhận, lan tỏa để có thêm nhiều không gian đi bộ khác trong TP.
 

Cổng Đoan Môn khu di tích Hoàng thành Thăng Long

3. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu to lớn mà Đảng bộ và Nhân dân Thủ đô đã đạt được, vẫn còn đó những mảng tối mà tới đây Hà Nội cần quan tâm. Đó là môi trường sống ngày càng xấu đi, tỷ lệ nghịch với sự phát triển vượt bậc của tăng trưởng kinh tế. Các đô thị vệ tinh chậm phát triển bởi thiếu hệ thống kỹ thuật hạ tầng đồng bộ, giao thông công cộng kết nối, chưa đủ sức hấp dẫn các nhà đầu tư vì định hướng phát triển không phù hợp. Chúng ta phát triển ồ ạt trên mặt đất, mà quên đi một tiềm năng rất lớn dưới lòng đất bởi chưa có chiến lược phát triển không gian ngầm đô thị một cách khoa học với tầm nhìn dài hạn. Nếu không coi trọng việc lập bản đồ quy hoạch không gian ngầm trong TP, Hà Nội sẽ bế tắc khi phát triển hệ thống giao thông công cộng như metro, xây dựng các bãi để xe, các công trình phục vụ tiêu thoát nước, công trình công cộng, dịch vụ như siêu thị, trung tâm thương mại… dưới lòng đất để giảm tải hoạt động trên mặt đất.

Cần cải tạo và phục hồi các dòng sông, hồ đầm đang bị ô nhiễm để trả lại màu xanh trong lành cho mặt nước. Các không gian công cộng như công viên, vườn hoa phải được đầu tư chăm sóc để không bị lấn chiếm, xây dựng vì mục đích thương mại. Phong trào trồng một triệu cây xanh mà TP phát động năm 2016 cần được duy trì và nhân rộng để tăng diện tích cây xanh cho TP, góp phần làm giảm ô nhiễm không khí và cải thiện vi khí hậu. Cần chấm dứt nạn xây nhà siêu mỏng, siêu méo, không phép và trái phép đã, đang xảy ra bởi thiếu biện pháp xử lý dứt điểm, và bởi một phần không nhỏ đội ngũ những người thực thi công vụ thiếu trách nhiệm, yếu kém về năng lực và phẩm chất.

Cần chú trọng quan tâm hơn nữa đến xây dựng văn hóa đô thị, xây dựng con người Hà Nội thanh lịch - văn minh. Bởi văn hóa và con người là nền tảng của mọi sự phát triển. Hà Nội từng được vinh danh TP vì Hòa Bình, và mới đây, ngày 31/10/2019, Hà Nội lại được UNESCO vinh danh là TP sáng tạo tham gia vào mạng lưới gồm 246 TP sáng tạo trên thế giới. Hà Nội sẽ là TP sáng tạo trong lĩnh vực thiết kế mà sáng tạo trong kiến trúc phải là tiên phong.

4. Khi tôi khép lại bài viết nhỏ này, Hà Nội đang tưng bừng kỷ niệm 66 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2020), kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội và hướng tới Đại hội Đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ Hà Nội với bao quyết tâm và hy vọng.

Trải qua nhiều thăng trầm, vui buồn trong quá trình phát triển, Hà Nội của tôi vẫn luôn vững vàng tiến về phía mặt trời để làm nên những điều kỳ diệu mới, những kỳ tích mới trong chặng đường phát triển mới của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với tâm thế nghìn năm Thăng Long, tâm thế của TP Anh hùng, TP vì Hòa bình, TP Sáng tạo vì cuộc sống và hạnh phúc của Nhân dân.

Sẽ có một Hà Nội như thế, đó là điều tôi tin!