Theo Dự thảo sửa đổi Nghị định 49 của Chính phủ quy định về học phí và những chính sách liên quan đến miễn giảm học phí trong hệ thống giáo dục quốc dân, Bộ GD&ĐT đã bổ sung thêm đối tượng được miễn học phí là SV học chuyên ngành Mác - Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh. Các đối tượng được giảm 70% học phí còn có học sinh (HS), SV học các chuyên ngành nhã nhạc cung đình, chèo, tuồng, cải lương, múa, xiếc và một số chuyên ngành, nghề nặng nhọc, độc hại…
Theo ông Nguyễn Đình Thi, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Sân khấu điện ảnh Hà Nội, việc Bộ GD&ĐT tiếp tục và mở rộng thêm các đối tượng được miễn, giảm học phí là sự khuyến khích SV vào học những ngành "đặc biệt". Tuy nhiên, ông Thi cũng cho biết, nhiều năm qua, việc tuyển sinh vào những ngành chèo, tuồng, cải lương… của trường vẫn gặp khó khăn và thường xuyên không đạt chỉ tiêu. "Dù biết sẽ được miễn giảm học phí nhưng do nhìn thấy trước tương lai không thể sống được bằng nghề, nên nhiều em vẫn không theo học", ông Thi chia sẻ. Tại cuộc họp bàn về công tác thực hiện quy hoạch nguồn nhân lực và đào tạo theo nhu cầu xã hội diễn ra gần đây, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận cũng cho biết, từ năm 2013, sẽ tạm dừng mở các ngành đào tạo đang thừa đầu ra như: Tài chính ngân hàng, quản trị kinh doanh, kế toán, đồng thời kiến nghị Thủ tướng Chính phủ không cho phép mở các trường ĐH đào tạo các ngành này.
Từ năm 2013, sẽ tạm dừng mở các ngành đào tạo đang thừa đầu ra. Ảnh: Quỳnh Anh
Ổn định quy mô đào tạo
Nhằm thực hiện chủ trương trên, trong Hội nghị kế hoạch ngân sách năm 2013 các trường, đơn vị trực thuộc diễn ra sáng 27/12, Bộ GD&ĐT cho biết, đến năm 2015 sẽ không lập thêm trường ĐH mới và giữ ổn định quy mô đào tạo đến năm 2020. Riêng trong năm 2013, chỉ tiêu cho bậc đại học là 133.000, trong đó sư phạm là 16.000, hệ cao đẳng chính quy là 17.000, sư phạm là 2.900. Trung cấp chỉ tiêu cho năm 2013 là 7.200. Đào tạo tiến sỹ trong năm 2013 là 1.350 người, thạc sỹ là 27.000 người. Đặc biệt, nhằm nâng cao trình độ của đội ngũ giảng viên trong các trường ĐH, CĐ cũng như từng bước tăng cường công tác đào tạo tiến sĩ theo đề án đào tạo 20.000 tiến sĩ tới năm 2020, chỉ tiêu đào tạo tiến sĩ sẽ tăng khoảng 10 - 12%; chỉ tiêu thạc sĩ tăng khoảng 5%. Trong 2013 và những năm tiếp theo sẽ không tăng chỉ tiêu đào tạo đại học, cao đẳng chính quy, đồng thời điều chỉnh cơ cấu chỉ tiêu giữa các ngành theo hướng giảm chỉ tiêu đào tạo nhóm ngành kinh tế - tài chính, quản trị kinh doanh, tăng chỉ tiêu nhóm ngành kỹ thuật công nghệ, nông lâm, y dược, nghệ thuật.
Những thay đổi quyết liệt trong chính sách về giáo dục ĐH được Bộ GD&ĐT công bố liên tiếp trong thời gian qua cho thấy quyết tâm của cơ quan chủ quản để giải cứu "bong bóng ĐH", nâng cao chất lượng đào tạo và giải quyết một cách triệt để tình trạng SV ra trường bị thất nghiệp... Tuy nhiên, liệu những thay đổi về chính sách GD trên có phát huy hiệu quả trong thời gian tới hay không vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ, vì giảm quy mô chưa chắc đã tăng được chất lượng.