Sẽ đóng cửa các trường ĐH đã mở 3 năm không đủ điều kiện

Chia sẻ Zalo

KTĐT - 15 trường ĐH ngoài công lập thành lập mới trong năm 2006 và 2007 vẫn còn 8 trường đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục cấp đất xây trường.

KTĐT - 15 trường ĐH ngoài công lập thành lập mới trong năm 2006 và 2007 vẫn còn 8 trường đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục cấp đất xây trường. Việc tuyển sinh đào tạo chủ yếu thuê mướn. 7 trường còn lại đã hoàn thành việc xây dựng cơ sở vật chất theo cam kết ở giai đoạn đầu và tổ chức tuyển sinh đào tạo tại trường.

Vẫn còn 8 trong số 15 trường mới mở đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục cấp đất xây trường. Việc đào tạo chủ yếu thuê mướn cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên.

Phổ biến đại học thuê, mướn

15 trường ĐH ngoài công lập thành lập mới trong năm 2006 và 2007 vẫn còn 8 trường đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục cấp đất xây trường. Việc tuyển sinh đào tạo chủ yếu thuê mướn. 7 trường còn lại đã hoàn thành việc xây dựng cơ sở vật chất theo cam kết ở giai đoạn đầu và tổ chức tuyển sinh đào tạo tại trường.

Đã có nhiều chất vấn về việc chấp nhận để Trường ĐH Phan Thiết sử dụng khu Làng cổ Mũi Né để triển khai các hoạt động đào tạo trong khi đang hoàn thiện cơ sở chính.

Thống kê của Bộ GD-ĐT cho biết, từ năm 1998 đến nay, số trường ĐH thành lập mới là 31 trường.

Trong đó có 2 trường ĐH công lập, gồm Học viện Chính sách phát triển giáo dục (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và Trường ĐH Việt - Đức, 29 trường còn lại là ngoài công lập.

ĐH "mọc" lên nhiều nhất sau năm 2005, khi có quy định về mở trường đại học tư thục. Năm  2006 có 6 trường thành lập mới, năm 2007 có 9 trường thành lập mới.

"Với những trường mới thành lập không thể xây dựng cơ sở vật chất được như ĐH Kinh tế Quốc dân hay ĐH Bách khoa. Các trường thành lập mới hoàn toàn do các nhà đầu tư bỏ ra xây trường, cho nên phải có quy trình xin đất, giải phóng mặt bằng..." - bà Hà bày tỏ sự thông cảm.

Một khó khăn nữa là các trường tư thực dù trả lương cao nhưng rất khó tuyển cán bộ và giảng viên.

Bà Hà cho biết, các trường thành lập mới đều song song đào tạo và hoàn thiện cơ sở vật chất.

Năm 2006 thành lập mới 6 trường thì chỉ có 3 trường đã xây dựng được trường theo cam kết bước đầu và tổ chức tuyển sinh đào tạo ngay tại trường.

Còn lại 3 trường gồm ĐH Quang Trung, ĐH FPT, ĐH Chu Văn An tuyển sinh tại cơ sở do trường thuê, mướn.

Tương tự, năm 2007 mở mới 9 trường thì 4 trường đã hoàn thành việc xây dựng cơ sở vật chất theo cam kết ở giai đoạn đầu.

Còn lại 5 trường đang trong quá trình hoàn thiện các thủ tục để xây dựng.

Ngay như ĐH Việt-Đức là ĐH công lập cũng phải tuyển sinh và đào tạo trong khu vực của ĐHQG TP.HCM.

Hoặc, Trường ĐH Đại Nam không đào tạo tại cơ sở ban đầu nhưng toàn bộ cơ sở đang thuê đáp ứng được đào tạo - bà Hà dẫn dụ.

Năm 2008, cũng có 4 trường ĐH thành lập mới thì 2 trường đã xây dựng được theo đúng cam kết ban đầu là tổ chức tuyển sinh đào tạo ngay trong khuôn viên của trường. Còn 2 trường vẫn đang đi thuê.

Vẫn theo bà Hà, trong quy định thành lập trường nêu rõ "phải có cam kết hoàn thiện theo các bước công việc phải hoàn thành trong đề án khả thi".

Theo lập luận này thì hiện tại, Trường ĐH Phan Thiết chưa làm đúng như trong đề án khả thi nhưng sau 3 năm phải có đủ điều kiện cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên.

Nếu sau 3 năm không thực hiện đúng thì Bộ sẽ xử lý theo các chế tài quy định.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho rằng, ĐH Phan Thiết đang sử dụng khu Làng cổ Mũi Né để đào tạo thì hiện tại đủ điều kiện để được hoạt động ban đầu cho đào tạo văn hoá cho những ngành học chưa đòi hỏi những phòng thí nghiệm và những điều kiện trang thiết bị khác. Ông Luận khẳng định, trong điều kiện của Việt Nam hiện nay, nếu đòi hỏi tất cả các điều kiện phải đạt đến độ chín muồi rồi mới tổ chức đào tạo thì còn nhiều vướng mắc.

Đặc biệt là các tỉnh còn khó khăn như  khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, các tỉnh miền Trung...

Thẩm định mở trường, mở ngành trên giấy?

Kết luận thanh tra Trường ĐH Phan Thiết đưa ra danh sách đội ngũ giảng viên với tổng số giảng viên cơ hữu là 63 người.

Trong đó, có 1 giảng viên có chức danh PGS, 7 giảng viên có trình độ tiến sĩ, 35 giảng viên trình độ thạc sĩ, 20 còn lại có trình độ ĐH.

Nhưng khi phóng viên báo Tuổi trẻ TP.HCM đề nghị cung cấp danh sách cụ thể, chi tiết thì Uỷ viên TƯ Đảng, Bí thư tỉnh uỷ tỉnh Bình Thuận, trưởng Đoàn ĐB Quốc hội tỉnh Bình Thuận - ông Huỳnh Văn Tý và đoàn thanh tra của Bộ không đưa ra được danh sách cụ thể.

Thứ trưởng Luận thanh minh, mặc dù Bí thư tỉnh Bình Thuận có mặt nhưng "anh" Tý không nói được vì bị mất giọng. Còn Vụ trưởng Hà cam kết "sẽ yêu cầu trường công khai danh sách giảng viên trên trang web của trường...".

Với tư cách là tổ phó đoàn thanh tra Trường ĐH Phan Thiết, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) Ngô Kim Khôi nêu thực tế, từ khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập trường và căn cứ hồ sơ xin mở ngành (5 ngành trình độ ĐH, 3 ngành trình độ CĐ) trường gửi lên thì Bộ GD-ĐT hướng dẫn, gửi tài liệu và giúp trường xây dựng hồ sơ mở ngành trong thời gian 3 tháng.

Bộ thẩm định trên hồ sơ trường gửi chứ không thẩm định trực tiếp ở trường.

Riêng ngành Việt Nam học, chuyên ngành Hướng dẫn du lịch, trường xin đào tạo trình độ ĐH, về cơ sở vật chất đáp ứng nhưng không đủ giảng viên nên Bộ đã không đồng ý.

Bà Hà nhìn nhận, hiện tại chưa quy định phải thẩm định trực tiếp khi mở mã ngành.

Vì vậy, cơ sở thành lập mới có thể khai khống để "lừa" cơ quan quản lý.

Có thực tế, khi trường xin mở ngành thì kê khai rất nhiều giảng viên.

Ví như: ĐH Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị mở mã ngành kê khai gần 200 giảng viên, nhưng khi yêu cầu danh sách giảng viên thì không gửi ngay.

Do vậy, Bộ đang hoàn thiện để chuẩn bị ban hành 1 quy trình mở mã ngành mới. Theo đó, khi cho mở ngành mới thì phải kiểm tra thẩm định thực tế - bà Hà nói.

"Bộ sẽ có xử lý"

Để thực hiện kết luận của Bộ Chính trị tại Nghị quyết 242: "Không duy trì ĐH kém chất lượng", Bộ GD-ĐT cho biết đang xây dựng các kế hoạch để thực hiện các nội dung này và lên các tiêu chí, điều kiện để xử lý.

Bà Hà cam kết, khoảng 2 tháng nữa thì khung các điều kiện tiêu chí để thực hiện quy định thu hồi chủ trương thành lập và giải thể trường sẽ hoàn thành.

Với những trường chưa hoàn thành cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên như trong cam kết của đề án thành lập thì đây như một sự cảnh báo.

Điệp khúc "Bộ sẽ có xử lý" được nhắc lại.

Các trường đang thuê mướn địa điểm phải khẩn trương hoàn thành xây dựng theo đúng tiến độ trong đề án khả thi .

Sau 3 năm, kể từ khi có quyết định thành lập mà không đủ cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên theo kế hoạch đề ra thì sẽ bị giải thể.

"Cá nhân tôi cũng đã điện thoại cho chủ đầu tư để thắc mắc, tại sao trong khuôn viên đó chỉ xây nhà 1 tầng thì được trả lời:  "Trường do các nhà đầu tư bỏ tiền ra xây dựng, sau khi chuyển sang khu mới thì khu này không dùng vào việc gì. Vì vậy, trong thiết kế, người ta có tính đến việc sử dụng lâu dài cho ý tưởng kinh doanh nữa" (bà Trần Thị Hà nói về sự việc Trường ĐH Phan Thiết)

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần