Kinhtedothi - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà cho biết như vậy tại buổi họp báo chuyên đề về Nghị quyết hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 (Nghị quyết 35), diễn ra ngày 27/5. Tại cuộc họp báo, trả lời câu hỏi phóng viên về những bất cập trong việc thu phí BOT, ông Đặng Duy Đông, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT cho rằng, phải công khai số tiền mà các trạm BOT thu được để làm rõ về thời gian, chi phí hoàn vốn của nhà đầu tư. Theo ông Đông, dư luận cho rằng có nhiều dự án giao thông có hiện tượng khống vốn lên tới hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng khiến mức thu phí đường “đội” lên, thời hạn thu phí phải kéo dài, gây gánh nặng cho người dân, doanh nghiệp. Người dân, doanh nghiệp có quyền yêu cầu công khai việc thu phí, vì việc này ảnh hưởng tới từng người dân và doanh nghiệp vận chuyển.
Buổi họp báo chuyên đề về Nghị quyết hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 |
Tại cuộc họp, ông Lê Mạnh Hà - phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho hay, để giám sát được lưu lượng xe qua các trạm BOT, chi phí đầu tư BOT… Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT phải rà soát để có được số liệu này sớm nhất. Có tuyến đường BOT hiện nay báo cáo thu chỉ 1 tỷ đồng tiền phí/ngày nhưng dư luận đã phản ánh con số thực thu tới 3 - 4 tỷ đồng. “Chúng tôi ủng hộ các cơ quan báo chí vào cuộc điều tra, ủng hộ việc công khai, làm rõ, dù chỉ kiểm chứng được 1 vài trạm cũng sẽ thay đổi lớn lắm”, ông Hà bày tỏ. Phó Chủ nhiệm Lê Mạnh Hà khẳng định, ngoài việc tính đúng, tính đủ để hài hòa lợi ích các bên, cần phải có công cụ giám sát chặt chẽ, tránh gian lận. Vì thế, phải khẩn trương phát triển công cụ thu phí không dừng. Công cụ này ngoài giúp giảm ùn tắc, giúp biết chính xác phí thu được bao nhiêu, giảm thời gian thu, từ đó đánh giá đúng dự án, giảm bớt gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp. Thông tin tại cuộc họp báo, theo ông Lê Mạnh Hà, mục tiêu của Nghị quyết 35 là đạt 1 triệu doanh nghệp đến năm 2020 (hiện nay có hơn 500.000). Điểm mới được đưa ra lần đầu tiên trong Nghị quyết của Chính phủ có nội dung doanh nghiệp tư nhân là động lực phát triển kinh tế, không hình sự hóa quan hệ kinh tế, thanh tra kiểm tra doanh nghiệp chỉ 1 lần/năm. Thống kê các chi phí không chính thức mà doanh nghiệp phải chịu (phải thống kê đầy đủ, đánh giá gánh nặng này của doanh nghiệp và đưa ra các giải pháp), doanh nghiệp được đối thoại với lãnh đạo các địa phương 2 lần/năm. Tuy nhiên, tại cuộc họp báo, có một số ý kiến băn khoăn rằng, nếu chỉ thanh tra, kiểm tra một lần trong năm như Nghị quyết 35 đề ra thì có ít không? Liệu có hay không việc doanh nghiệp sẽ cố tình vi phạm sau khi thanh tra, kiểm tra? Giải đáp thắc mắc này, ông Lê Mạnh Hà cho rằng, nguyên lý kiểm tra là phải phân loại được nhóm nguy cơ cao xảy ra vi phạm, chứ không phải kiểm tra tất cả doanh nghiệp. Quan trọng là các cơ quan chức năng phải thực hiện nghiêm túc, đúng chức năng của mình, chứ không phải thay nhau vào thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp nhiều lần, nhưng không có kết quả thực chất. Với doanh nghiệp vi phạm, cơ quan chức năng vẫn có nhiều biện pháp để điều tra, ngăn chặn và xử lý nghiêm khắc, triệt để.