Ngày 16/7, kỳ họp thứ 17 của Hội đồng Nhân dân (HĐND) TP Hồ Chí Minh khóa X bước vào ngày làm việc thứ hai.
Chủ tọa kỳ họp gồm bà Nguyễn Thị Lệ - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh cùng các Phó Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh Phạm Thành Kiên và Huỳnh Thanh Nhân.
Tham dự kỳ họp còn có ông Nguyễn Hồ Hải - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh; ông Phan Nguyễn Như Khuê - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh; và ông Hà Phước Thắng - Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP Hồ Chí Minh.
Các vấn đề chất vấn xoay quanh hạ tầng công nghệ thông tin, an ninh mạng và bảo mật thông tin, chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước, biện pháp thúc đẩy phát triển kinh tế số, xử lý tin giả, tin sai sự thật, công tác đầu tư công tập trung vào các dự án giáo dục, cũng như quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm…
Theo đó, một trong những vấn đề được đại biểu quan tâm là quản lý quảng cáo trên mạng, ông Lâm Đình Thắng - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện vẫn có những đơn vị chưa chấp hành đầy đủ quy định về pháp luật, thậm chí có những đơn vị bất chấp vi phạm pháp luật vì doanh thu và lợi nhuận.
Các cơ quan chức năng đã tích cực đấu tranh, tuy nhiên nhưng còn nhiều phức tạp, khó khăn cho dù các hành vi đã có dấu hiệu giảm bớt.
Về nguyên nhân, ông Lâm Đình Thắng cho biết, do thẩm quyền làm việc với các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới là của Bộ Thông tin và Truyền thông, địa phương chưa chủ động hoàn toàn để giải quyết.
Đồng thời, Luật Quảng cáo hiện cũng chưa có những quy định chi tiết về việc quản lý cấp phép quảng cáo trên mạng internet cũng như trên mạng xã hội.
Bộ Thông tin và Truyền thông đã nhận thấy vấn đề này và đang dự thảo để sửa Luật Quảng cáo để có quy định pháp luật đầy đủ, xử lý việc này triệt để, nghiêm minh hơn.
Bên cạnh đó, do sự phát triển của quảng cáo trên mạng internet nhanh nên hầu như các sở, ngành, địa phương đều thiếu hụt nhân sự để quản lý lĩnh vực này. Trong khi đó, nhân sự không có chuyên môn sâu và hầu hết đều kiêm nhiệm.
Cũng theo Thắng trong thời gian tới, Sở Thông tin và Truyền thông sẽ tham mưu UBND TP Hồ Chí Minh kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông phát triển Danh sách trắng (Whitelist) gồm các trang, kênh, mạng xã hội được công nhận, chấp hành đầy đủ quy định của pháp luật và có giá trị tích cực.
Hiện Bộ Thông tin và Truyền thông đang công bố danh sách này và ngày càng mở rộng, công bố rộng rãi để các đơn vị có nhu cầu quảng cáo tin tưởng và đặt quảng cáo.
Bên cạnh quảng cáo, vấn đề quản lý các thông tin xấu độc, tin giả cũng được các đại biểu quan tâm. Đặc biệt, các thông tin trên mạng Internet chủ yếu từ hai nguồn là các tổ chức, cá nhân trong nước được cấp phép và những trang thông tin không rõ nguồn gốc.
“Tuy dùng tiếng Việt nhưng tên miền quốc tế và đặt máy chủ ở nước ngoài”, ông cho biết.
Đồng thời, ông Thắng cũng cho rằng tin giả, tin sai lệch chủ yếu lan truyền qua các mạng xuyên biên giới này, vì vậy việc xử lý còn nhiều khó khăn.
Đặc biệt, cho đến thời điểm hiện nay, các doanh nghiệp mạng xã hội xuyên biên giới chưa có đại diện pháp lý tại Việt Nam nên khi xảy ra vi phạm, bị cơ quan chức năng yêu cầu gỡ bỏ thì đa phần tìm cách né tránh. Chưa kể, với các tin giả, tin sai lệch thì đơn vị liên quan phải kịp thời phát ngôn, xác minh thông tin đến người dân.
“Sở đã phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông cũng như các địa phương khác xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, không chỉ trên địa bàn Thành phố. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với Công an TP giám định tư pháp những trường hợp có dấu hiệu vi phạm hình sự”, ông Thắng chia sẻ.
Cùng với đó, ông Thắng cũng cho biết Sở đang kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông xử lý các tài khoản mạng xã hội xuyên biên giới vi phạm. Cụ thể, từ đầu năm đến nay, Sở đã chuyển 30 tài khoản vi phạm trên không gian mạng để xử lý.
Trong thời gian tới, Sở sẽ kiến nghị Bộ đẩy mạnh quá trình thay đổi thế chế, điều chỉnh Nghị định 72 của Chính phủ liên quan đến quản lý thông tin trên mạng.
“Sở đang kiến nghị sửa đổi theo hướng tài khoản trên mạng xã hội phải có định danh, chỉ có tài khoản định danh mới được bình luận. Những tài khoản mạng xã hội xuyên biên giới bắt buộc phải chấp hành pháp luật Việt Nam. Đồng thời phải tăng cường trách nhiệm của cơ quan chức năng ở các ngành, địa phương trong việc phát ngôn, phản bác tin giả, tin sai lệch”, ông Thắng chia sẻ thêm.
TP cũng đang nghiên cứu thành lập trung tâm xử lý tin giả, dự kiến đặt tại Trung tâm Báo chí TP Hồ Chí Minh phối hợp chặt chẽ với Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam nhằm tạo quy chế hợp giữa các sở, ban, ngành, địa phương trên địa bàn để xử lý tin giả.
Ông Thắng cho biết, quy chế này sẽ xác định được 3 bộ phận quan trọng: Bộ phận tiếp nhận thông tin; bộ phận xác định thông tin đó là thông tin giả; bộ phận công bố tin giả, tin sai lệch. Ba bộ phận này có quy trình làm việc nhuần nhuyễn với nhau, ghi nhận, xác định và công bố trong thời gian nhất định, cùng với hệ thống công nghệ hỗ trợ để giảm thiểu tin giả, tin sai lệch.