Seoul sẽ “phớt lờ” lời kêu gọi mở kho dự trữ dầu mỏ từ Washington

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phía Hàn Quốc phát tín hiệu rằng Seoul sẽ không hưởng ứng lời kêu gọi mở kho dự trữ dầu mỏ từ Tổng thống Mỹ Joe Biden nhằm hạ nhiệt giá dầu.

Mỹ đã yêu cầu một số quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới xem xét giải phóng một phần dự trữ dầu thô trong nỗ lực hạ giá và thúc đẩy sự phục hồi kinh tế.
 Đà tăng kỷ lục của giá xăng khiến lạm phát tại Mỹ tăng trên 5% trong 6 tháng liên tiếp. 
Theo RT, ngày 18/11, chính phủ Hàn Quốc xác nhận rằng Seoul đã nhận được yêu cầu từ phía Mỹ, đồng thời khẳng định việc giá “vàng đen” tăng cao không thể được xem là lý do hợp lý để sử dụng nguồn dự trữ nhiên liệu của nước này.
Tuyên bố được Bộ Công nghiệp Hàn Quốc đưa ra ngày 18/11 nhấn mạnh rằng Seoul chỉ có thể giải phóng kho dự trữ dầu mỏ trong trường hợp nguồn cung mất cân bằng. “Chúng tôi đang xem xét kỹ lưỡng đề nghị của Mỹ, nhưng khả năng sẽ không mở kho dự trữ dầu chỉ vì đà tăng mạnh của giá dầu” - Reuters trích dẫn tuyên bố của Bộ Công nghiệp Hàn Quốc nêu rõ.
Trong khi đó, Reuters hôm 17/11 đưa tin, Nhật Bản đã nhất trí với lời đề nghị của Mỹ về việc giải phóng kho dự trữ dầu.
Các nguồn tin cho biết chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đề nghị một số nước trong nhóm tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới, bao gồm Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc và Hàn Quốc, cân nhắc mở kho dự trữ dầu để hạ giá năng lượng toàn cầu.
Tờ South China Morning Post  hôm 16/11 dẫn nguồn tin thân cận cho biết Mỹ muốn Trung Quốc cùng tham gia mở kho dầu thô dự trữ để ổn định thị trường nhiên liệu và  vấn đề này đã được nêu ra trong cuộc đàm phán trực tuyến giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 16/11. Phía Trung Quốc sẵn sàng đón nhận yêu cầu của Mỹ, song chưa cam kết các biện pháp cụ thể, với lý do cần phải cân nhắc nhu cầu tiêu thụ trong nước”. Kho dự trữ dầu mỏ của Trung Quốc hiện có khoảng 200 triệu thùng.
Dự kiến, Washington có thể sẽ công bố quyết định sớm nhất của mình vào tuần tới rằng họ sẽ mở dần kho dự trữ chiến lược ra thị trường vào đầu năm 2022. Nếu việc này diễn ra, Mỹ sẽ cần xả 20- 30 triệu thùng dầu mới có thể tác động lên thị trường. Kho dự trữ Dầu Chiến lược (SPR) của Mỹ được thành lập thập niên 70, sau cuộc khủng hoảng dầu mỏ, nhằm đảm bảo Mỹ có đủ nguồn cung cần thiết trong trường hợp khẩn cấp. Mỹ có trữ lượng dầu mỏ chiến lược lớn nhất thế giới với khoảng 727 triệu thùng.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden đang chịu sức ép trong việc xem xét giải phóng kho dự trữ chiến lược dầu mỏ, sau khi lạm phát của Mỹ tăng trên 5% trong 6 tháng liên tiếp. Theo báo cáo mới nhất, tỷ lệ lạm phát của Mỹ trong tháng 10 đã tăng lên 6,2%, mức cao nhất trong hơn 3 thập kỷ gần đây.
Giá dầu thế giới đã chạm mức cao nhất trong 7 năm vào cuối tháng 10 vừa qua khi nền kinh tế toàn cầu phục hồi mạnh mẽ thúc đẩy nhu cầu tăng mạnh trong khi nguồn cung lại thắt chặt. Giá dầu WTI của Mỹ đã tăng  67,5% từ đầu năm đến nay.
Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh (OPEC+) đang tăng sản xuất thêm 400.000 thùng mỗi ngày. Tuy nhiên, kết thúc cuộc họp chính sách hồi đầu tháng này, nhóm OPEC+ đã không hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng thống Mỹ nhằm tăng mạnh nguồn cung.
Tổng thư ký OPEC Mohammad Barkindo hôm 17/11 cho biết ông kỳ vọng dư cung toàn cầu xuất hiện sớm nhất là trong tháng sau. "Đây là các dấu hiệu chúng ta phải cực kỳ thận trọng", ông Barkindo nói.