Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

SHB hợp tác chiến lược với 2 ngân hàng Nga

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Liên bang Nga của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam, ngày 6/9, tại TP Sochi, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin đã chứng kiến Lễ trao thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) với 2 định chế tài chính quốc tế lớn tại Nga: Ngân hàng Đầu tư Quốc tế (IIB) và Ngân hàng Hợp tác Kinh tế Quốc tế (IBEC).

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin chứng kiến lễ trao biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư giữa ông Đỗ Quang Hiển - Chủ tịch HĐQT SHB và ông Nikolay Kosov - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng IIB.
Sau một thời gian đàm phán, SHB và IIB đã chính thức ký kết hợp tác chiến lược toàn diện tại TP Sochi. Hai bên đã trao thỏa thuận hợp tác trước sự chứng kiến của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin. Ngay sau đó, IIB sẽ cung cấp cho SHB một khoản vay trị giá 20 triệu USD kỳ hạn 5 năm.
Với khởi đầu tốt đẹp này, SHB sẽ có thêm nguồn vốn trung và dài hạn tài trợ cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng của Việt Nam, dự án liên quan đến doanh nghiệp vừa và nhỏ, năng lượng xanh… Bên cạnh đó, 2 bên sẽ cũng nhau tìm hiểu khả năng hợp tác ở nhiều lĩnh vực khác, trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm với mục đích nâng cao hiệu quả hoạt động và xây dựng năng lực quản trị của cả 2 ngân hàng.
SHB được thành lập từ năm 1993, hiện là 1 trong 5 Ngân hàng TMCP lớn nhất Việt Nam, Top 10 Ngân hàng Thương mại uy tín nhất Việt Nam, Top 500 Ngân hàng mạnh nhất Châu Á... Tính đến hết 30/6/2018, SHB có tổng tài sản đạt 303.831 tỷ đồng. Vốn điều lệ ở mức hơn 12.036 tỷ đồng. Với gần 7.000 cán bộ nhân viên, mạng lưới rộng hơn 500 điểm giao dịch ở Việt Nam, Lào và Campuchia, SHB đang phục vụ gần 4 triệu khách hàng cá nhân và doanh nghiệp.
Cùng ngày, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin đã chứng kiến lễ trao Hợp đồng tín dụng khung giữa SHB và IBEC. Theo thỏa thuận giữa hai bên, IBEC sẽ cấp khoản vay cho SHB với hạn mức ban đầu là 20 triệu Euro để thực hiện các giao dịch thanh toán quốc tế, tài trợ thương mại, các giao dịch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa các nước thành viên của IBEC, hoạt động ngoại hối, huy động vốn, các hoạt động đồng tài trợ và bảo lãnh đối với các dự án hai bên cùng quan tâm.

Tại buổi lễ, Chủ tịch IBEC Denis Ivanov đã đề nghị Chủ tịch HĐQT SHB Đỗ Quang Hiển sớm thực hiện hợp đồng đã ký kết này thông qua các hoạt động thương mại xuất nhập khẩu giữa 2 nước Việt Nam, Liên bang Nga và các nước thuộc khu vực kinh tế Á - Âu. Với doanh số lên tới 5 tỷ USD/năm, đây là một thế mạnh của SHB và Ngân hàng sẽ cụ thể hóa các hoạt động thương mại xuất nhập khẩu nêu trên ngay từ tháng 10/2018.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin chứng kiến lễ trao biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư giữa ông Đỗ Quang Hiển - Chủ tịch HĐQT SHB và ông Denis Ivanov - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng IBEC.

Các thỏa thuận hợp tác trên đã cụ thể hóa phát biểu của Tổng thống Nga Vladimir Putin trong tuyên bố chung rằng hai bên đã trao đổi thỏa thuận trong thanh toán đồng tiền để thúc đẩy phát triển hợp tác kinh tế thương mại giữa hai quốc gia và các nước thuộc khối kinh tế Á - Âu.

Phát biểu về việc hợp tác với 2 đối tác IIB và IBEC, Chủ tịch HĐQT SHB Đỗ Quang Hiển nhấn mạnh, việc hợp tác giữa SHB với 2 ngân hàng lớn của Nga là IIB và IBEC đánh dấu bước khởi đầu cho sự hợp tác chiến lược toàn diện lâu dài, sâu rộng giữa các bên. Đồng thời, hoạt động này còn hiện thực hóa chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Liên bang Nga trong việc mở ra phương thức thanh toán mới nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sự tăng trưởng thương mại, xuất nhập khẩu, đầu tư cho các doanh nghiệp giữa hai quốc gia, góp phần thúc đẩy phát triển hợp tác kinh tế giữa hai quốc gia trong thời gian tới.
IIB là tổ chức tài chính phát triển đa phương quốc tế, được thành lập vào năm 1970, có trụ sở tại Moscow, Liên bang Nga, với mục tiêu chủ yếu là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế quốc gia, mở rộng quan hệ thương mại và kinh tế, và tối đa hóa cơ hội tương tác đầu tư vì lợi ích của các quốc gia thành viên. IIB tập trung chủ yếu vào việc tăng cường tiếp cận tài chính cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua các tổ chức trung gian tài chính, cung cấp tài trợ dự án và tài trợ cho hoạt động xuất nhập khẩu, đồng thời hỗ trợ mở rộng hoạt động kinh doanh quốc tế của các doanh nghiệp thành viên.
IBEC là tổ chức tài chính quốc tế thành lập năm 1963 trong khuôn khổ Hội đồng Tương trợ Kinh tế (Khối SEV cũ), có trụ sở đặt tại Moscow, Liên bang Nga. Nhiệm vụ chính của IBEC là thực hiện thanh toán đa phương, cấp tín dụng và cung cấp các dịch vụ ngân hàng để hỗ trợ phát triển kinh tế và thúc đẩy quan hệ kinh tế đối ngoại giữa các nước thành viên cũng như giữa các nước thành viên và các nước khác.