Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sĩ tử băn khoăn trước cánh cửa đại học

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Cánh cửa đại học mở ra rất nhiều hướng đi, bước ra khỏi trường đại học các sinh viên sẽ có thể trở thành những kiến trúc sư, nhà báo, giáo viên, nghệ sỹ ... Nhưng lựa chọn trường nào, ngành nào lại là câu hỏi khó khăn đối với các sĩ tử.

Băn khoăn chọn lựa

Tháng 3, tháng 4 là tháng khó khăn với các sĩ tử. Ngoài việc chuẩn bị ôn thi, các bạn còn phải suy nghĩ trong việc chọn trường đại học phù hợp với sở thích, học lực mà đôi khi còn gặp phải sự ngăn cản của gia đình.
Trước nhiều sự lựa chọn, các sĩ tử chia sẻ những bồn chồn lo lắng của mình.

Tô Lan Anh (Hà Nội) cho biết : “Em rất thích vẽ. Trước đây em có tham gia các cuộc thi vẽ của thành phố và cũng đã đạt được một số giải. Vẽ là niềm đam mê của em, nhưng gia đình em đều làm ngành kinh tế, và không chấp nhận việc em theo nghiệp vẽ, muốn hướng em sang ngành kinh tế”.

Quỳnh Thương (Hà Nam) bộc bạch: “Học lực của em thuộc dạng trung bình khá, nên em không biết nên chọn vào trường nào?”.

Ngoài ra, các bạn còn chia sẻ thêm về những lý do chọn trường như muốn học gần hay xa, muốn được biết trường có tạo điều kiện cho họ nghèo hay không…

Khi ngành không chọn người…

Lời khuyên của người đi trước có giúp cho các sĩ tử có sự lựa chọn tỉnh táo hơn. Không tùy hứng chọn lựa những ngành mình thích trong khi không có đủ năng lực và điều kiện kinh tế. 

Bạn Nguyễn Thu Trang (HV Báo chí & Tuyên truyền) cho biết: “Thời cấp 3,  mình ước mơ trở thành một nữ nhà báo giỏi giang nhưng khi đã đỗ vào trường, theo học một thời gian thì mới thấy mình chưa thực sự đam mê, chưa thực sự có khả năng để theo đuổi nghề khó khăn này”. 

Bạn Tuấn (Đại học Xây dựng) cũng tâm sự: “chọn ngành cũng là sự chọn lựa của mình, không hề ảnh hưởng từ gia đình. Nhưng trong quá trình theo học thì mình xác định lại hướng đi của mình. Đó là ngành công nghệ thông tin. Nên bây giờ mình đang lưỡng lự với việc có nên dừng học tại trường Xây dựng để theo đuổi đam mê của mình hay không”.

Vì thế các sỹ tử phải thực sự suy nghĩ kỹ càng về sự chọn lựa của mình. - "Sai một ly đi một dặm, rất khó để làm lại". 
Các sỹ tử nên chọn lựa theo đúng học lực của mình. Nếu học lực chỉ khá, hay trung bình khá nên chọn trường có điểm chuẩn không quá cao.
Thứ hai các sỹ tử nên chọn lựa theo ý thích của mình. Có thích thì mới có đam mê theo đuổi, có thích mới có thể cố gắng hết mình cho công việc. Tuy nhiên trước sở thích cũng cần có một nền tảng vững chắc về chuyên môn.
Và cuối cùng cũng là một lời khuyên tốt, các sỹ tử nên chọn trường phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình mình.
Có nhiều trường đại học dân lập, đại học mở, hay những trường công nghệ thông tin có học phí rất cao. Tránh trường hợp các bạn đã đủ điểm vào trường lại phải ngậm ngùi thi lại vì học phí quá cao.

Có đam mê ắt thành công 

Bạn Lê Thúy Nga (SV Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn) cho biết: “Quê em ở Kontum nhưng vì được biết bằng ĐH ngoài HN được coi trọng nên em quyết định thi ra ngoài này. Hiện tại, em đang theo học ngành quốc tế học. Em cũng không hề hối tiếc với sự lựa chọn của mình. Em sẽ cố gắng hết mình để học tập thật tốt”.

Có lẽ sự lựa chọn của các bạn sẽ bị ảnh hưởng bởi ý kiến của gia đình. 
Bố mẹ thường hay áp đặt những kinh nghiệm, những hiểu biết của mình lên ý kiến của con cái . Bố mẹ nào cũng muốn con cái mình có một công việc ổn định, không quá vất vả hay nguy hiểm. Nhưng đôi khi cũng cần có sự bứt phá. Bạn có đam mê, có nhiệt huyết, có năng lực. Điều đó sẽ không thế khiến bạn lu mờ trong xã hội ngày nay.

Dù chọn trường vì lý do gì, các thí sinh và gia đình cần cân nhắc yếu tố về năng lực, nhu cầu của xã hội và nguyện vọng của bản thân để cánh cửa vào đại học, cao đẳng có thể rộng mở.