Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Siết chặt đầu tư công: Hết thời “vung tay quá trán”

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 547/QĐ-TTg về việc giao các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan T.Ư, tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước và UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư kế hoạch đầu tư vốn và danh mục dự án bố trí kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách T.Ư giai đoạn 2016 - 2020.

Các cơ quan trên căn cứ kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách thông báo cho các đơn vị, cho từng dự án nhằm bảo đảm phù hợp với các quy định của pháp luật.
2 triệu tỷ đồng “vốn mồi”
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, như vậy trên cơ sở mục tiêu phát triển và các cân đối lớn của nền kinh tế, cân đối thu chi ngân sách, Chính phủ đã công khai hết tổng mức vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn được Quốc hội thông qua. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa XIV đã thông qua tổng số vốn đầu tư nguồn ngân sách kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 là 2 triệu tỷ đồng, bao gồm: Vốn ngân sách T.Ư 11.120 nghìn tỷ đồng, vốn cân đối ngân sách địa phương 880 nghìn tỷ đồng. Trong tổng số vốn nêu trên, Nghị quyết của Quốc hội đã quy định 85.000 tỷ đồng đầu tư các dự án quan trọng quốc gia; 72.817 tỷ đồng cho 2 chương trình mục tiêu quốc gia; dự phòng kế hoạch đầu tư trung hạn gồm dự phòng chung 10% theo từng nguồn vốn và các bộ, ngành T.Ư và địa phương dành 10% dự phòng trên tổng mức vốn được phân bổ kế hoạch trung hạn theo từng nguồn vốn. Trong đó đã dành một lượng vốn lớn ưu tiên cho thanh toán nợ đọng, hoàn trả vốn ứng trước, bố trí vốn đối ứng cho các dự án ODA, PPP...

Một nhà ga thuộc dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đang được hoàn thiện. Ảnh: Phạm Hùng

Đánh giá về kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách giai đoạn 2016 - 2020, một chuyên gia kinh tế cho rằng, trong bối cảnh ngân sách khó khăn, nguồn vốn này đã giảm mạnh. Đơn cử như tại TP Hồ Chí Minh, tổng nhu cầu vốn đầu tư từ ngân sách giai đoạn 2016 - 2020 là hơn 296.700 tỷ đồng. Tuy nhiên, dự kiến nguồn vốn có thể cân đối bố trí kế hoạch đầu tư giai đoạn này là 150.000 tỷ đồng, chỉ đáp ứng khoảng 50% nhu cầu. Theo chuyên gia này, với việc phân bổ này, nguồn vốn ngân sách chỉ là “vốn mồi” để khai thác các nguồn vốn đầu tư khác trên cơ sở Luật Đầu tư công và Luật Ngân sách. Với việc giao kế hoạch tài chính trung hạn trong 5 năm, ngân sách có điều kiện cân đối tổng thể hơn. Quyết định 547 của Chính phủ cũng nêu rất rõ: “Trong trường hợp điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư của dự án so với tổng mức đầu tư đã được cấp có thẩm quyền giao kế hoạch đầu tư trung hạn, địa phương phải tự cân đối vốn bổ sung từ các nguồn vốn hợp pháp khác để hoàn thành dự án đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng; đối với nguồn vốn nước ngoài, phải tính toán, cân đối giữa nhu cầu vay và khả năng trả nợ của các dự án đã triển khai và các dự án mới”.
Thực tế trên buộc các địa phương phải tính đến việc huy động đa dạng các nguồn lực để bù đắp, và hình thức đầu tư hợp tác công tư được các chuyên gia nhắc đến như một giải pháp quan trọng.
Khắc phục tình trạng phân tán, dàn trải
Theo đánh giá của các chuyên gia, bố trí vốn đầu tư tập trung là để khắc phục tình trạng phân tán, dàn trải, dở dang, bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư từ nguồn ngân sách; bố trí đủ vốn đối ứng các dự án ODA. Vốn ngân sách được bố trí trong 3 năm tới, vốn trái phiếu chính phủ cũng được bố trí trong vòng 4 năm tới. Địa phương và bộ, ngành biết được tổng mức vốn thì phải chủ động thanh toán, giải quyết nợ đọng cho các DN, nhưng phải theo đúng nguồn vốn, không được dùng vốn ngân sách T.Ư để bù đắp cho phần vốn do địa phương thiếu hụt, thiếu tính toán cẩn trọng. Trên thực tế, có những dự án hoàn thành song cũng không được bố trí vốn, địa phương dùng vốn ngân sách T.Ư để khởi công dự án mới hoặc cho những dự án khác. Việc này sẽ được kiểm soát một cách chặt chẽ.
Theo đại diện Bộ Tài chính, tính tới ngày 17/4/2017, lũy kế giải ngân vốn đầu tư công qua Kho bạc Nhà nước là 14,3%, giải ngân vốn cho các Chương trình mục tiêu quốc gia mới chỉ có 4,3%. Trong khi đó vốn trái phiếu Chính phủ vẫn chưa có kế hoạch giao, nên Kho bạc chưa thể giải ngân được. Ước tính hết tháng 4 Kho bạc Nhà nước sẽ thanh toán được 66.657,8 tỷ đồng, đạt 18,7% so với kế hoạch Quốc hội giao và bằng 13,8% kế hoạch mà Thủ tướng Chính phủ đã giao.
Thực tế, tình trạng đầu tư dàn trải hơn chục năm qua đã khiến nợ trong đầu tư xây dựng cơ bản của các địa phương là rất lớn gây lãng phí thất thoát, giảm hiệu quả đầu tư. Giải ngân chậm, nợ đọng xây dựng cơ bản tăng, giao kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách giai đoạn 2016 - 2020 để tránh tình trạng giao vốn cho địa phương rồi mà địa phương không sử dụng, đồng thời không để chi sai…
Theo báo cáo của Chính phủ, trong tổng số nguồn lực thực hiện "Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020" là 10,567 triệu tỷ đồng, thì nguồn vốn đầu tư phát triển từ ngân sách chỉ là 2 triệu tỷ đồng, còn nguồn huy động xã hội hóa phải gấp hơn 5 lần.