Thí điểm tại 40 tuyến phố
Trên địa bàn 12 quận đã xây dựng được tổng số 40 tuyến phố thí điểm không kinh doanh trái cây dưới lòng đường, vỉa hè (riêng quận Thanh Xuân 11 tuyến, Hà Đông 5 tuyến, Cầu Giấy 8 tuyến, Đống Đa 4 tuyến, Hoàn Kiếm 4 tuyến, Hoàng Mai 2 tuyến).
Qua đánh giá Đề án “Thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành của thành phố Hà Nội” đã được các sở, ngành, UBND các quận và toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc triển khai thực hiện. Nhiều UBND các phường, lực lượng công an, giao thông, quản lý thị trường... đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn, tạo mọi điều kiện cho các DN, hộ kinh doanh thực hiện đúng quy định pháp luật trong kinh doanh trái cây.
Công tác tập huấn, tuyên truyền được thực hiện tốt với nhiều hình thức từ TP đến các cơ sở. Qua đó, hầu hết các cửa hàng kinh doanh nắm bắt được đầy đủ và có ý thức chấp hành tốt quy định. Người tiêu dùng đã có ý thức hơn đến việc lựa chọn sản phẩm trái cây an toàn, nguồn gốc rõ ràng tại các cửa hàng kinh doanh trái cây tham gia Đề án và các siêu thị, trung tâm thương mại.
Tăng uy tín và doanh thu
Theo Sở Công Thương Hà Nội, công tác cấp biển nhận diện cho các cửa hàng kinh doanh trái cây đáp ứng được các yêu cầu tại Đề án mang lại hiệu quả rõ rệt đối với người kinh doanh và người tiêu dùng. Người tiêu dùng có địa chỉ tin cậy để mua sắm trái cây an toàn phục vụ nhu cầu hàng ngày.
Đối với các DN, cửa hàng được gắn biển có ý thức cao hơn trong việc chấp hành các quy định của pháp luật, của Đề án trong kinh doanh trái cây an toàn. Doanh thu của các cửa hàng tăng khoảng 20 - 50% so với thời điểm chưa được gắn biển nhận diện…; một số siêu thị không thuộc đối tượng của Đề án song vẫn đề xuất được tham gia Đề án và được cấp biển nhận diện.
Bên cạnh đó, công tác liên kết vùng, đưa các sản phẩm trái cây đủ tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, sản phẩm thế mạnh của các vùng trên cả nước được quan tâm và triển khai đồng bộ đã góp phần tạo nguồn cung sản phẩm trái cây an toàn, chất lượng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng cho các DN, cửa hàng kinh doanh trái cây qua nhiều hình thức (qua hội nghị kết nối, qua các kênh trao đổi trực tiếp giữa các DN, hộ kinh doanh trái cây của Hà Nội và các tỉnh, TP) nhằm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô.
Cũng theo lãnh đạo Sở Công Thương, việc không cho phép kinh doanh trái cây dưới lòng đường, vỉa hè bước đầu tạo thói quen cho người kinh doanh thực hiện đúng quy định trong kinh doanh, bảo đảm văn minh thương mại, góp phần xây dựng Thủ đô Hà Nội văn minh, hiện đại, xanh - sạch - đẹp.
Sở Công Thương và các quận tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, tuyên truyền, hướng dẫn các DN, hộ kinh doanh chấp hành tốt các quy định trong kinh doanh trái cây an toàn; tránh tình trạng kinh doanh không có giấy phép, không bảo đảm về ATTP, hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa.
Xóa bỏ các điểm kinh doanh trái cây mất an toàn
Để tăng cường quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn TP Hà Nội, UBND TP đã ban hành Quyết định số 2228/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án tăng cường quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn giai đoạn 2020 - 2025.
Theo đó, UBND TP yêu cầu các đơn vị tập trung triển khai thực hiện các giải pháp, biện pháp phấn đấu năm 2020 đạt 40%, hết năm 2021 đạt 100% các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các huyện, thị xã có đăng ký kinh doanh. Phấn đấu 100% người kinh doanh trái cây có kiến thức, được đào tạo, tập huấn kiến thức về ATTP theo quy định; 100% cửa hàng có Biển nhận diện “Cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn” và đầy đủ trang thiết bị, phương tiện bảo quản trái cây, bảo đảm lưu giữ được trái cây tươi, chất lượng khi đến tay người tiêu dùng.
Ngoài ra, TP cũng đặt mục tiêu các tuyến phố tại trung tâm các huyện, thị xã đạt tuyến phố văn minh không có các hộ kinh doanh bán hàng rong, lấn chiếm lòng đường, vỉa hè. Giai đoạn từ năm 2022 đến 2025, triển khai quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây đồng bộ trên 30 quận, huyện, thị xã (các tuyến phố, khu dân cư) đạt 100% các cửa hàng kinh doanh trái cây đủ điều kiện để cấp biển nhận diện cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn.
TP yêu cầu các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát bảo đảm trái cây lưu thông trên địa bàn được kiểm soát về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng, các điều kiện về ATTP...; kiên quyết xóa bỏ các điểm kinh doanh trái cây không đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm và trật tự đô thị (nhất là ở lòng đường, vỉa hè, nơi công cộng). |