Các nhà khoa học thuộc Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu cho rằng sự ấm lên của nhiệt độ mặt nước biển trong tương lai là điều kiện thuận lợi cho các cơn bão mạnh phát triển.
Theo Tổ chức Khí tượng thế giới, khi xuất hiện siêu bão là bão có cấp gió mạnh với tốc độ trên 51m/s hay 184km/h, khí áp thấp nhất vùng tâm bão là 927mb sẽ gây ra sóng rất lớn, sức phá hoại cực mạnh, có thể đánh đắm tàu thuyền, phá hoại công trình trên biển, khi đổ bộ vào đất liền bão có thể phá hủy nhà cửa, tài sản, gây thương tích và tử vong nhiều người.
Do biến đổi khí hậu, khu vực Tây Thái Bình Dương hội tụ tất cả các điều kiện có thể làm tăng cường độ bão. Trong tương lai, số lượng bão khu vực Biển Đông có xu thế giảm nhưng số lượng bão mạnh lại có xu thế tăng.
Đê biển ở Đồ Sơn, Hải Phòng. (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)
|
Các đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cho thấy, bão hoạt động trên khu vực Bắc Biển Đông có khả năng giảm về tần số nhưng tăng về cường độ, dấu hiệu tần số áp thấp nhiệt đới khu vực Nam Biển Đông cũng gia tăng.
Như vậy trong tương lai, các cơn bão rất mạnh và các siêu bão có khả năng xuất hiện ở Biển Đông. Bão và nước dâng do bão là những hiện tượng thiên tai nguy hiểm, gây nhiều thiệt hại về người và tài sản.
Điển hình như cơn bão Katrina đổ bộ vào New Orleans bang Lousiana - Mỹ ngày 29/8/2005 với sức gió trên 225km/h, đã phá hỏng hệ thống đê bảo vệ và gây nước dâng 6m, khoảng 1.000 người chết và mất tích trong cơn bão này.
Tại khu vực Đông Nam Á, cơn bão Nargis đổ bộ vào Myanmar ngày 2/5/2008 làm hơn 100.000 người chết và mất tích, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống cư dân vùng bão đổ bộ cũng như môi trường xung quanh.
Các khu vực khác trên thế giới như khu vực Đông-Bắc Á, vùng biển Caribean cũng chịu nhiều thiệt hại bởi nước dâng do bão, trong đó nước dâng cao nhất đo được tại Triều Tiên cũng tới 5,2m.
Đặc biệt, tháng 11/2013, siêu bão Haiyan khi đi qua Philippines với sức gió trên cấp 17 đã gây nước dâng trên 7m, là nguyên nhân chính gây ra cái chết của trên 6.200 người.
Nguy cơ ngập gây ra bởi một siêu bão mà các nhà khí tượng thủy văn Việt Nam giả thiết, có cường độ tương tự như siêu bão Haiyan (2013) cho khu vực thành phố Hải Phòng, được nghiên cứu và tính toán bằng mô hình thủy động lực kết hợp với mô hình tính toán gió và áp trong bão.
Kết quả tính toán cho thấy, mực nước lớn nhất tại khu vực trong siêu bão này đã vượt qua 5,3m, cao hơn hầu hết cao trình đê sông, đê biển hiện tại của Hải Phòng và gây ngập hầu như toàn bộ diện tích các quận nội thành của Hải Phòng. Nhiều khu vực ngập sâu khoảng 1m, đặc biệt một số vùng ngập sâu khoảng 2m. Như vậy hệ thống đê hiện tại ở Hải Phòng chưa đáp ứng được yêu cầu bảo vệ vùng sau đê, trước nguy cơ của nước dâng do siêu bão.
Chính vì vậy, sau trận bão lịch sử Haiyan năm 2013, Chính phủ đã yêu cầu Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương xây dựng đề án ứng phó với siêu bão. Một trong các nội dung quan trọng trong đề án ứng phó với siêu bão là xây dựng các bản đồ nguy cơ nước dâng do siêu bão cho các tỉnh ven biển. Các bản đồ này là cơ sở khoa học và thực tiễn giúp các cơ quan từ Trung ương đến địa phương chủ động trong lập phương án ứng phó với siêu bão trong tương lai.
Với kết quả tính toán ở trên cho thấy, hệ thống đê hiện tại ở Hải Phòng chưa đáp ứng yêu cầu bảo vệ vùng đất sau đê trước nguy cơ ngập gây bởi nước dâng do siêu bão. Trong tương lai, do biến đổi khí hậu nguy cơ nước dâng do siêu bão kết hợp với mực nước biển dâng có thể làm nghiêm trọng hơn. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, trong tương lai các siêu bão có thể xuất hiện ở Biển Đông.
Các nhà khoa học cảnh báo rằng để đánh giá chính xác được khả năng ngập bởi nước dâng do siêu bão, cần thiết phải có các nghiên cứu chuyên sâu và chi tiết hơn. Đặc biệt, việc quan trọng nhất là phải xây dựng các bản đồ nguy cơ ngập vì nước dâng do siêu bão cho khu vực ven biển, nhằm phục vụ công tác chỉ đạo phòng chống siêu bão trong hiện tại và tương lai một cách hiệu quả nhất.