Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

"Sinh viên báo chí-cơ hội và thách thức”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Sinh viên báo chí- cơ hội và thách thức” là vấn đề đã được đặt ra trong buổi giao lưu “Thầy trò và nghề báo”. Đây là một trong nhiều hoạt động được khoa Báo chí- Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức nhân dịp kỷ niệm chào mừng ngày nhà giáo Việt Nam.

Thách thức

Trong thời đại toàn cầu hóa, công nghệ thông tin phát triển, đòi hỏi người làm báo phải có thêm nhiều phẩm chất và kỹ năng mới. Để làm việc trong một môi truờng chuyên nghiệp, kinh nghiệm, năng lực phải được chú trọng phát triển, đặc biệt đối với sinh viên. “Đòi hỏi của các tòa soạn báo ngày càng cao, trong tuyển dụng, chắc chắn các tòa soạn sẽ ưu tiên các bạn có nhiều kỹ năng, ngoài kỹ năng viết, kỹ năng báo chí còn có kỹ năng về công nghệ. Điều đó rất quan trọng. Nếu các bạn không thành thạo các kỹ năng công nghệ, không thành thạo về máy tính, không thành thạo về máy ảnh, máy quay thì rất khó xin việc. Hơn nữa, phải tích hợp thêm những kiến thức cơ bản về tờ báo mình muốn vào làm việc. Đó là những kiến thức chuyên ngành vừa là điều cần có.”- nhà báo Nguyễn Thế Hào- Phó TBT Thời báo kinh tế Việt Nam cho biết.    

 
Các thầy cô giáo tham gia buổi giao lưu.
Các khách mời tham gia buổi giao lưu.
Nhà báo Văn Thành- cựu sinh viên báo chí khóa 17 chia sẻ: “Các bạn cần chuẩn bị rất kỹ càng! Nghề này không có phép nhầm lẫn và sự chuẩn bị rất quan trọng”. 

Tiến sĩ Hà Huy Phượng- Phó trưởng khoa Báo chí chia sẻ “Tôi có đưa ra ba chữ R đối với các bạn sinh viên. Ba chữ R này đầy đủ là “rành”: Thứ nhất là rành lý luận. Lý luận là nền tảng để chúng ta có một hành trang tốt để phát triển chuyên nghiệp. Có một điều là thực tiễn rất quan trọng nhưng thực tiễn mà không đúc kết thành lý luận thì cũng chỉ là kinh nghiệm mà thôi, đôi khi những kinh nghiệm đó được đúc kết sẽ trở thành chuyên nghiệp. Thứ hai là rành kỹ năng. Những kỹ năng mà thầy cô dạy và những kỹ những ta học được ngoài thực tiễn phải rành. Thứ ba là rành kỹ thuật. Nhận thức là cả một quá trình, không đòi hỏi các bạn 4 năm phải giỏi tất cả, các bạn thực hiện dần dần và nỗ lực cá nhân là rất cần thiết”. 

Nhưng không thiếu những cơ hội…

Dù nghề báo có rất nhiều thách thức nhưng trong thách thức lại có cơ hội. Nhà báo Nguyễn Thế Hào cho biết, sinh viên báo chí có rất nhiều cơ hội, “các kênh truyền hình rất nhiều, các công ty truyền thông hiện nay đang mọc ra như nấm, các doanh nghiệp rất nhiều và hầu như mỗi doanh nghiệp đều có website, họ đều cần những người có nghiệp vụ báo chí duy trì website ấy. Tôi nghĩ đó là cơ hội đang mở rộng cho sinh viên báo chí hiện nay”. 

Một trong những hệ lụy mà thời đại số mang lại là sự suy giảm của báo in, tuy nhiên, nhà báo Vĩnh Quyên- Phó Giám đốc kênh truyền hình Đài Tiếng nói Việt Nam cũng tin tưởng về sự phát triển song song bền vững của các loại hình báo chí sẽ tạo nhiều cơ hội cho sinh viên.

Cô Lê Thị Nhã cũng đưa ra lời khuyên giản dị và chân thành đối với sinh viên: “các bạn hãy chịu khó lăn lộn ngay từ những năm đầu các bạn thâm nhập thực tế có lẽ ta sẽ thành công trong nghề nghiệp”.

Trước những cơ hội và thách thức như vậy, Học viện Báo chí và Tuyên truyền luôn có sự đổi mới trong đào tạo. Tiến sĩ Hà Huy Phượng- Phó trưởng khoa Báo chí chia sẻ: “Hằng năm, đào tạo của Học viện đều có sự đổi mới. Chúng tôi đặt ra mục tiêu là đổi mới chương trình để đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội. Cứ khoảng 5 năm một lần, xuất phát từ thực tiễn với nhiều ý kiến chuyên gia, Khoa Báo chí cùng với các khoa khác trong Học viện đổi mới chương trình đào tạo. Ở năm học này, chúng tôi đưa nhiều môn học mang tính chất của làm báo hiện đại, đặc biệt là báo chí đa phương tiện và đây cũng là một chuyên ngành mới của chúng tôi. Điều này đáp ứng nhu cầu thực tiến, thậm chí có thể coi là đón đầu thực tiễn vì trên thế giới không xây dựng thành chuyên ngành mà chỉ là những bộ môn.”.

Cũng theo thầy Hà Huy Phượng, các thầy cô trong khoa báo chí, ngoài đứng lớp còn là những người cầm bút trên mặt trận giống như các nhà báo. Điều này khiến những bài học luôn sinh động, thực tế và thiết thực.