Đạt điểm thi tương đối nhưng mức học phí của các trường tự chủ tăng quá cao khiến nhiều thí sinh không khỏi băn khoăn, nhất là con nhà nghèo. Cao nhất là 17 triệu đồng/năm học Nhiều thí sinh đến từ các huyện ngoại thành Hà Nội và tỉnh lân cận chia sẻ, ngoài yếu tố say mê ngành nghề, dễ kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp, học phí cũng là lý do để các em chọn tên trường ĐH. Tuy nhiên, năm học này, một số trường ĐH được tự chủ tăng học phí lên quá cao, khiến nhiều em từ bỏ ước muốn vào trường ĐH mình mơ ước bấy lâu.
Trao đổi về mức học phí các ngành ĐH đại trà tăng tới 30% trong năm học 2016 - 2017, ông Phạm Quang Trung – Phó Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế quốc dân cho biết: Trường thực hiện tăng học phí dựa trên cơ sở văn bản pháp quy của Chính phủ quy định đối với trường được tự chủ tài chính. Theo đó, 5 ngành và chuyên ngành xã hội hóa cao có mức học phí cao nhất là 17 triệu đồng/năm học (10 tháng). Các ngành và chuyên ngành thuộc nhóm 2 có mức học phí 14,5 triệu đồng/năm học; nhóm 3 gồm các ngành và chuyên ngành được khuyến khích phát triển mức học phí thấp nhất 12 triệu đồng/năm học. Tuy nhiên, ông Trung cho biết, trong thời gian tới, nhà trường phải tính toán lại lộ trình tăng học phí, dựa trên nhiều yếu tố như sức mua của xã hội, khả năng chi trả. Năm học này, các trường ĐH khác được Chính phủ cho phép thực hiện tự chủ về tài chính đều đồng loạt tăng học phí với các mức độ khác nhau. Ông Bùi Tuấn Anh – Hiệu trưởng trường ĐH Ngoại thương thông tin: Hiện nay, học phí chương trình tiên tiến là cao nhất, các ngành ĐH đại trà bằng nhau. ĐH Ngoại thương điều chỉnh học phí cố gắng mỗi năm tăng khoảng 10% nhưng có lộ trình để không tạo ra cú sốc cho sinh viên (SV), xã hội. Theo Đề án Thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của trường ĐH Ngoại thương giai đoạn 2015 - 2017, mức thu học phí tối đa các ngành ĐH đại trà, hệ chính quy năm học 2016 - 2017 là 16 triệu đồng/năm. Ông Nguyễn Xuân Trạch – Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cũng cho biết, Học viện áp dụng mức học phí nằm trong lộ trình tăng học phí Chính phủ cho phép và mới chỉ bằng dưới 43%. Năm học 2016 – 2017, học phí ngành nông, lâm, thủy sản 730.000 đồng/tháng; khoa học xã hội, kinh tế, quản lý, kế toán 745.000 đồng/tháng; khoa học tự nhiên, kỹ thuật công nghệ, cơ điện 880.000 đồng/tháng; thú y 1.080.000 đồng/tháng. Nhiều giải pháp hỗ trợ ĐH Công nghiệp Dệt May Hà Nội cũng là trường được phép thực hiện tự chủ tài chính, tuy nhiên, đại diện nhà trường cho biết: “Chúng tôi vẫn giữ nguyên học phí cao đẳng 790.000 đồng/tháng; các ngành ĐH năm nay bắt đầu tuyển sinh, nhà trường chỉ thu 1.100.000 đồng/tháng. Là trường kỹ thuật, chúng tôi mua vật tư thực hành, thiết kế mặt hàng, cho sinh viên cùng làm và bán. Số tiền thu được từ bán sản phẩm, nhà trường dùng để trang trải mua vật tư, vì thế SV không phải đóng thêm tiền”. Đối với SV nghèo, khi học ĐH sẽ được vay tiền từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đóng học phí. Tuy nhiên, với những em thuộc gia đình cận nghèo không đủ điều kiện để vay tiền ngân hàng, nhiều trường chọn giải pháp xây dựng quỹ học bổng khuyến khích học tập trợ giúp SV có học lực khá; giới thiệu việc làm thêm. Như ĐH Công nghiệp Dệt May Hà Nội có quỹ riêng hỗ trợ các em SV hộ gia đình nghèo, cận nghèo dịp hè, lễ Tết. Nhưng, giải pháp bền vững nhất là tạo điều kiện cho SV làm thêm ngoài giờ học. Nhà máy của trường nhận SV làm việc nửa ngày. Các em làm đến đâu được trả lương đến đó. Ông Nguyễn Xuân Trạch - Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, học phí ngành nông, lâm, thủy sản không tăng theo mức quy định đối với trường tự chủ mà áp dụng giống trường công lập chưa tự chủ. Đây cũng là một giải pháp để giúp những em ở vùng nông thôn. “Có lẽ phải tính toán kỹ hơn về các biện pháp liên quan đến tín dụng SV. Chúng ta tạo ra nhiều cơ hội cho vay, để tất cả SV đều được học theo nguyện vọng của mình. Cho vay học phí trả sau như thế, chúng ta sẽ khai thác được nhân tài cũng như các em giúp ích cho gia đình và xã hội” - ông Trung đưa ra đề xuất.
Giờ học của sinh viên trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Ảnh: Công Hùng |