Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sinh viên nhập học đầu năm: Đôn đáo vì học phí cao

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Năm học 2012 - 2013, hầu hết các trường ĐH, cả công lập và ngoài công lập đều tăng học phí. Dù Bộ GD&ĐT đã có chỉ đạo cụ thể về chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập tại một số địa phương, mức vay tín dụng cho hộ nghèo có con đi học đã tăng lên…, song không ít sinh viên vẫn nợ tiền học phí và đôn đáo tìm việc làm thêm để có tiền nộp học.

Học phí tiền triệu

Học phí đầu năm tới vài triệu đồng, thậm chí có trường đến cả chục triệu đồng mỗi kỳ học, khiến không ít sinh viên (SV) vừa chân ướt chân ráo vào học, đã đôn đáo kiếm việc làm thêm để có tiền đóng các khoản thu đầu năm. Nguyễn Thủy (Thái Bình), SV Học viện Ngân hàng cho biết: "Năm ngoái tiền học phí 90 - 100.000 đồng/tín chỉ, năm nay tăng lên 120.000đồng/tín chỉ. Chi phí ăn, ở, tiền thuê nhà mất gần 2 triệu đồng/tháng, cộng với tiền học phí đóng đầu năm là một khoản không nhỏ. Em đành phải sáng đi học, chiều bán hàng thuê tại cửa hàng bán quần, áo". Tương tự, Mai Phương, SV ĐH Thương mại cho biết, tổng số tiền phải nộp để nhập học vào trường đã gần 4 triệu đồng, trong khi đó, tiền thuê nhà trọ mất 1,7 triệu đồng/tháng, nên em cũng tính xin đi làm thêm.

Sinh viên nhập học đầu năm: Đôn đáo vì học phí cao - Ảnh 1

Giờ học của sinh viên trường Đại học Quản lý kinh doanh Hà Nội. Ảnh: Ngọc Bích

Học phí các trường ngoài công lập tăng nhiều hơn so với trường công lập, nên nhiều SV phải tìm việc làm thêm. Hồng Vân (Nghệ An), SV trường ĐH Thăng Long cho biết, vừa đóng gần 8 triệu đồng tiền học phí, tăng 500.000 đồng/đợt so với năm trước: "Một năm, nguyên tiền học phí em phải đóng khoảng 30 triệu đồng/3 đợt. Riêng tiền ăn, tiền thuê nhà dù đã chắt chiu, mỗi tháng tốn thêm 3,5 - 4 triệu đồng”. Ngoài những buổi lên lớp, em tranh thủ nhận thêm quần áo về may thuê, để bớt "gánh nặng" cho mẹ. Cũng như Vân, Quốc Bình (TP Việt Trì), SV trường ĐH FPT cho hay, với mức học phí gần 23 triệu đồng/học kỳ, cậu cũng chọn việc dạy gia sư ngoài giờ học để đỡ phần sinh hoạt ăn uống, thuê nhà. Ngoài ra, cũng không ít trường hợp SV có hoàn cảnh nghèo, thi trượt công lập nhưng muốn có một công việc tốt sau này nên cứ "cố đấm ăn xôi" theo học các trường dân lập. Thế nên, mỗi kỳ học mới nỗi lo lớn về học phí lại càng nặng nề.

Tạo điều kiện cho sinh viên nhập học

Thời điểm này, hầu hết các trường ĐH, SV nhập học đã ổn định. TS Bùi Đức Hiền, Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Điện lực cho hay: "Những SV mới đến làm thủ tục nhập học, đóng học phí luôn từ đầu năm, còn SV năm thứ 2 trở đi đóng vào cuối kỳ, chuẩn bị thi mới phải đóng học phí. Với những SV con thương bệnh binh, gia đình liệt sỹ, SV có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đều được hưởng chính sách theo đúng quy định của Nhà nước. Ngoài số SV này, một số SV có hoàn cảnh khó khăn phải nộp chậm, nợ học phí. Nhà trường cũng tạo điều kiện tối đa cho những trường hợp nợ học phí, nhưng phải viết đơn, ký cam kết với nhà trường". Còn ông Dương Mạnh Hùng, Phó Hiệu trưởng ĐH Nội vụ Hà Nội cho biết, số SV đến nhập học hệ ĐH đã làm thủ tục xong. Tuy nhiên, có một số sinh viên xin nợ học phí vì gia đình chưa thu xếp kịp. "Chúng tôi cũng rất thông cảm với những SV này, tuy nhiên, nhà trường cũng phải đề ra thời hạn để đảm bảo nguyên tắc tài chính cũng như hoạt động khác của nhà trường".

Về những khó khăn tài chính của SV trong đợt nhập học lần này, ông Ngũ Duy Anh, Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, SV, Bộ GD&ĐT cho biết, Bộ  đã chỉ đạo các trường không để có học sinh, SV bỏ học vì không có tiền đóng học. Hiện mức cho vay tín dụng đối với hộ nghèo có con đi học đã được tăng từ 300.000 đồng lên 1 triệu đồng. Riêng đối với gia đình có 2 con cùng đi học, chính sách cũng đã đảm bảo để những hộ này có thể được vay 2 suất. Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT vừa có công văn gửi các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục ĐH về thực hiện chính sách miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập tại một số địa phương. Theo đó, học sinh, SV thuộc diện này được nộp chậm học phí 3 tháng kể từ khi bước vào học kỳ mới để tạo điều kiện cho các em có đủ thời gian nhận tiền hỗ trợ miễn, giảm học phí tại địa phương.