Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

SJC và ACB trúng thầu 3.400 lượng vàng miếng

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố kết quả đấu thầu vàng miếng ngày 23/4 với 2 thành viên trúng thầu là Công ty SJC và Ngân hàng ACB với 34 lô, tương đương 3.400 lượng vàng SJC...

2 thành viên trúng thầu 34 lô, tương đương 3.400 lượng vàng SJC
2 thành viên trúng thầu 34 lô, tương đương 3.400 lượng vàng SJC

Giá trúng thầu cao nhất 81,33 triệu đồng/lượng. Giá trúng thầu thấp nhất 81,32 triệu đồng/lượng.

Như vậy, giá trúng thầu cao hơn  giá  khởi  điểm NHNN đưa ra là 620.000 đến 630.000 đồng/lượng.

Các đơn  vị  trúng  thầu  sẽ  phải thanh toán tiền cho NHNN trước 16 giờ hôm nay 23/4.

Trong phiên đấu thầu sáng nay, có 11 đơn vị, gồm 4 doanh nghiệp là SJC, DOJI, PNJ, Phú Quý tham gia dự thầu. 7 ngân hàng là: VPBank, HDBank, Techcombank, Eximbank,  MSBbank, ACB và Sacombank.

Tổng khối lượng vàng miếng gọi thầu của NHNN là 16.800 lượng; khối lượng vàng miếng của một lô giao dịch là 100 lượng. Loại vàng đấu thầu là vàng miếng SJC do NHNN tổ chức sản xuất.

Về cơ bản, nội dung thông báo đấu thầu ngày 22/4 không khác so với thông báo ban hành hôm 19/4 ngoài giá tham chiếu. NHNN nêu rõ tỷ lệ đặt cọc khi tham gia đấu thầu là 10%, giá tham chiếu để tính giá trị đặt cọc là 80,7 triệu đồng/lượng (thông báo ngày 19/4 là 81,8 triệu đồng/lượng). Bên cạnh đó, khối lượng đấu thầu tối thiểu một thành viên được phép đặt thầu chính là khối lượng đặt thầu dự kiến của mỗi thành viên. Khối lượng đấu thầu tối thiểu một thành viên được phép đặt thầu là 14 lô tương đương 1.400 lượng, khối lượng tối đa là 20 lô tương đương 2.000 lượng. Bước giá dự thầu là 10.000 đồng/lượng, khối lượng dự thầu là 1 lô tương đương 100 lượng. NHNN cũng quy định mỗi thành viên dự thầu chỉ được đăng ký 1 mức giá tối thiểu bằng hoặc cao hơn giá sàn do NHNN công bố.

Đầu giờ chiều nay 23/4, giá vàng trong nước giảm mạnh theo giá vàng thế giới. Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 80 triệu đồng - 82,5 triệu đồng/lượng (mua vào- bán ra). Giá mua vào giảm 700.000 đồng, song giá bán giá chỉ giảm 400.000 đồng/lượng so với lúc mở cửa 9 giờ sáng.

Cùng thời điểm, giá vàng thế giới giảm sầu về sát ngưỡng 2.300 USD/ounce, xuống còn 2.306 USD/ounce, giảm 87 USD/ounce. Với mức giảm trên, khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới tiếp tục được thu hẹp. Ở khoảng vùng bán ra trên 82 triệu đồng/lượng hiện tại, giá vàng miếng SJC cao hơn giá vàng thế giới sau quy đổi khoảng 7 triệu đồng/lượng.

Giá vàng thế giới đảo chiều rơi thẳng đứng trong bối cảnh căng thẳng giữa Iran và Israel không leo thang. Một diễn biến khác là chứng khoán Mỹ đã xanh sàn trở lại khi các chỉ số Dowjones tăng 253 điểm, S&P 500 tăng 43 điểm và Nasdaq tăng 169 điểm. Theo đó, nhiều người tập trung vốn vào cổ phiếu khiến tiền chảy vào thị trường vàng rất ít. Giá vàng hôm nay của thế giới "bốc hơi" hàng chục USD/ounce là tất yếu.

Bình luận về phiên đấu thầu này, TS Nguyễn Trí Hiếu phân tích, 2 phiên gần đây, giá vàng thế giới có xu hướng đảo chiều, không chỉ doanh nghiệp tham gia đấu thầu vàng, kể cả người dân mua tích trữ cũng thận trọng. Bất kỳ doanh nghiệp nào, họ cũng cần 1 sự ổn định, thị trường ổn định và tâm lý ổn định để có thể đưa ra một mức giá phù hợp khi quyết định mua vàng.

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu bình luận, cơ quan quản lý có thể đấu thầu nhiều lần tới thời điểm nào phù hợp với diễn biến của thị trường.

Về giá tham chiếu lần này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh bình luận, trong việc sử dụng dự trữ ngoại hối của NHNN, nguyên tắc an toàn phải được đặt lên đầu tiên. Do vậy, khi sử dụng vàng dự trữ để can thiệp thị trường, NHNN sẽ thận trọng một cách hợp lý. Can thiệp thị trường phải có quá trình, một phiên đấu thầu không thể đánh giá hết được. NHNN sẽ làm nhiều bước để đi đến mục tiêu đưa giá vàng trong nước bám sát giá vàng thế giới.

Về diễn biến giá vàng sắp tới, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, vừa qua thị trường thế giới đã tăng rất mạnh nên xu thế điều chỉnh là tất yếu, xong một điều chắc chắn, giá vàng còn biến động trước những nguy cơ cao như xung đột địa chính trị và chiến sự đang diễn ra tại Ukraine hay diễn biến bầu cử tại Mỹ. Việc tái đắc cử của Tổng thống Mỹ hoặc ngược lại dẫn tới những chính sách tiền tệ của Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (Fed) hoàn toàn có thể đảo ngược mọi suy đoán. Đó chính là nguy cơ đẩy giá vàng lên cao, bất cứ lúc nào.