Theo thống kê, trong tuần 44 (kể từ ngày 28/10 đến ngày 3/11/2024), trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã ghi nhận 661 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng 21% so với trung bình 4 tuần trước đó.
Nâng tổng số ca sốt xuất huyết tích lũy từ đầu năm 2024 đến nay là 10.641 ca.Trong đó, các quận, huyện có số ca mắc sốt xuất huyết cao trên 100.000 dân là quận 1, TP Thủ Đức và quận 7.
HCDC cũng cho biết, tình hình dịch sốt xuất huyết đang có dấu hiệu gia tăng liên tục trong 4 tuần gần đây, từ 516 ca ở tuần 41, lên 661 ca ở tuần 44.Trong đó, số ca nhập viện trong tuần qua cũng gia tăng với 414 ca, tăng 89 ca so với tuần trước, trong đó có 113 ca lưu trú tại tỉnh khác (chiếm tỷ lệ 27,3%). Trung bình số ca nặng điều trị là 12 ca/ngày.
Trước tình hình dịch bệnh đang gia tăng, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh kêu gọi mỗi người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh ngay từ thời điểm này để ngăn chặn dịch bùng phát.
Trong đó, chú ý các hoạt động như ngăn không cho muỗi đẻ trứng bằng cách đậy kín các vật dụng dự trữ nước sinh hoạt, thu gom các đồ vật có thể ứ đọng nước trong và xung quanh nhà, loại bỏ các vật phế thải có thể đọng nước; ngăn không cho muỗi chích bằng cách ngủ mùng kể cả ban ngày, mặc quần áo dài tay, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện muỗi...
Đặc biệt, khi người dân bị sốt, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà. Đồng thời, tích cực phối hợp với ngành y tế trong các chiến dịch diệt lăng quăng và các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
HCDC cũng nhấn mạnh, khi phát hiện địa điểm có nguy cơ phát sinh lăng quăng gây bệnh sốt xuất huyết, người dân hãy nhanh chóng phản ánh địa chỉ cụ thể lên ứng dụng “Y tế trực tuyến” để được xử lý.
Được biết, sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra, có khả năng dẫn đến biến chứng nặng, điều trị khó khăn, tốn kém.
Sốt xuất huyết lây từ người sang người chủ yếu thông qua vết đốt của muỗi vằn cái Aedes aegypti có mang virus. Virus sốt xuất huyết có 4 tuýp huyết thanh bao gồm DENV-1, DENV-2, DENV-3 và DENV-4.
Có đến 80% trường hợp người nhiễm sốt xuất huyết không có triệu chứng nhưng vẫn có khả năng lây truyền bệnh qua cho người khác qua trung gian muỗi vằn.
Bệnh gặp ở cả trẻ em và người lớn. Bệnh sốt xuất huyết dạng nhẹ sẽ gây sốt cao, phát ban, đau cơ và khớp, rối loạn đông máu, suy đa tạng... Nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời dễ dẫn đến dễ dẫn đến sốt xuất huyết dạng nặng, có thể gây chảy máu nặng, giảm huyết áp đột ngột (sốc) và tử vong.
Theo Bộ Y tế để phòng bệnh sốt xuất huyết người dân cần chú ý các biện pháp như sau:
Kiểm tra, phát hiện và diệt lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt bằng cách thường xuyên thau rửa, đậy nắp kín bể và các vật dụng chứa nước, thả cá để tiêu diệt lăng quăng.
Thường xuyên thay nước ở các lọ hoa, thả muối hoặc hóa chất diệt bọ gậy vào bát nước kê chân chạn, bể cảnh, hòn non bộ, khay nước thải tủ lạnh...
Loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, lật úp các vật dụng có thể chứa nước không sử dụng, để không cho muỗi đẻ trứng.
Ngủ màn phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày, mặc quần áo dài tay, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện muỗi... để diệt muỗi và phòng muỗi đốt.
Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các chiến dịch diệt bọ gậy/lăng quăng và các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.