Theo Viện thống kê quốc gia Tây Ban Nha (NSI), số lượng các công ty nộp đơn xin phá sản tại Tây Ban Nha đã tăng mạnh từ 1.147 công ty trong năm 2007, năm trước khi bong bóng bất động sản xì nổ tại Tây Ban Nha, lên đến gần 6.200 công ty phá sản năm 2009 và vọt lên 9.000 doanh nghiệp năm ngoái.
Công ty bất động sản Reyal Urbis xin bảo hộ phá sản hồi tháng Hai vừa qua, do 'bị chìm' với khoản nợ 3,6 tỷ euro (4,9 tỷ USD). Tiếp sau là nhà sản xuất cá đông lạnh Pescanova, vốn thu hút khoảng 10.000 nhân công, đã phá sản vào tháng Tư.
Ảnh minh họa. (Nguồn: actionfordebt.com)
|
Mới đây nhất, Fagor - một trong những hãng sản xuất về thiết bị gia dụng lớn nhất châu Âu - cũng lâm vào tình cảnh tương tự hồi tháng Mười. Thậm chí vấn nạn phá sản còn 'gõ cửa' Câu lạc bộ bóng đá Deportivo A Coruna và nhà tổ chức các cuộc thi sắc đẹp Hoa hậu Tây Ban Nha.
Khoảng 1/3 các vụ phá sản gần đây đã ảnh hưởng đến các công ty bất động sản, lĩnh vực suy sụp vào năm 2008 đã gây ra cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kép tại Tây Ban Nha, khiến tỷ lệ thất nghiệp tại nước này tăng lên tới gần 26%.
Javier Ramos, Giám đốc công ty môi giới Axesor dự báo các vụ phá sản sẽ tăng khoảng 25% năm nay và giảm nhẹ trong năm 2014.
Nhiều doanh nghiệp phải vay mượn để cố 'sống sót' nên nay đang phải 'è cổ' trả nợ. Các ngân hàng Tây Ban Nha đã vay 41 tỷ euro (56 tỷ USD) từ một quỹ cứu trợ của Khu vực sử dụng đồng euro năm ngoái.
Khoảng nửa triệu doanh nghiệp nhỏ đã 'biến mất' vì cuộc khủng hoảng tại nước này. Enrique Bujidos, một chuyên gia tư vấn tại PricewaterhouseCoopers cảnh báo "năm 2013 có thể sẽ là năm có số doanh nghiệp nộp đơn xin phá sản nhiều nhất trong lịch sử Tây Ban Nha".