Duy nhất, không chồng chéo
Theo Bộ Tư pháp, số định danh cá nhân chính là mã số công dân và đây cũng không phải là vấn đề mới. Trên thế giới đã có rất nhiều nước sử dụng công cụ này trong việc quản lý dân cư như: Cộng hoà Liên bang Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Áo, Cộng hoà Pháp, Bosnia và Herzegovina, Thụy Điển.
Ảnh minh họa
Số định danh cá nhân sẽ là số duy nhất gắn với mỗi công dân để khắc phục tình trạng ở mỗi ngành, lĩnh vực công dân lại có một con số riêng biệt và để phục vụ mục tiêu tin học hóa việc quản lý công dân, sử dụng một số duy nhất dùng để truy cập vào Cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư và các CSDL ngành, lĩnh vực để tra cứu thông tin về công dân, đồng thời sử dụng công cụ này kết nối các CSDL ngành, lĩnh vực với CSDL về dân cư.
Dự án Luật Hộ tịch đã đặt vấn đề cấp số định danh cá nhân cho những người sinh ra từ ngày Luật Hộ tịch có hiệu lực. Với cách tiếp cận đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, phải đến khoảng 90 năm sau thì toàn bộ dân số nước ta mới được cấp số định danh cá nhân, điều này làm ảnh hưởng đến việc mục tiêu quản lý dân cư bằng công cụ số định danh cá nhân và dẫn đến việc tồn tại song song hai hệ thống quy định pháp luật liên quan đến quản lý dân cư.
Do đó, để bảo đảm số định danh cá nhân phát huy được vai trò, ý nghĩa trong đời sống xã hội, Đề án đã khẳng định đối tượng được cấp số định danh cá nhân là tất cả gần 90 triệu dân (kể cả những người đã sinh ra trước ngày Luật Hộ tịch có hiệu lực) và bảo đảm đến năm 2020, mọi công dân đều có số định danh cá nhân.
Số định danh cá nhân được thiết lập từ CSDL quốc gia về dân cư và chỉ được tạo ra sau khi đã nhập thông tin của công dân vào CSDL này.
Đối với công dân đã sinh ra trước ngày Luật Hộ tịch có hiệu lực, việc cấp số định danh cá nhân được thực hiện đồng thời với quá trình xây dựng CSDL quốc gia về dân cư (thông qua quá trình thu thập thông tin công dân, nhập thông tin vào CSDL quốc gia về dân cư).
Đối với công dân sinh ra từ ngày Luật Hộ tịch có hiệu lực: cán bộ hộ tịch trực tiếp thực hiện nhập thông tin cho công dân khi công dân đăng ký khai sinh từ ngày 1/1/2016 vào CSDL quốc gia về dân cư để xác lập thông tin về công dân và số định danh cá nhân, cấp số định danh cá nhân cho công dân từ khi đăng ký khai sinh.
Đề án có tính khả thi cao
Theo Bộ Tư pháp khẳng định từ góc độ thực tiễn cho thấy, việc triển khai Đề án này hoàn toàn khả thi vì nhiều yếu tố.
Thứ nhất, kinh nghiệm triển khai thực hiện Đề án 30 giai đoạn 2007-2010 cho thấy, với quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan Nhà nước các cấp, với cách thức tổ chức thực hiện khoa học và sự vào cuộc của xã hội thì việc hệ thống hóa, rà soát các quy định về TTHC, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu quốc gia hoàn toàn có thể thực hiện được.
Thứ hai, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý công dân, giải quyết TTHC cho công dân cũng hoàn toàn phù hợp với định hướng về phát triển công nghệ thông tin và triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông hiện đại ở nước ta.
Thứ ba, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý dân cư, đã được nhiều quốc gia trên thế giới triển khai thành công và từ kinh nghiệm của các nước cho thấy, chỉ có áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý Nhà nước mới có thể giúp cắt giảm mạnh chi phí thực hiện TTHC.
Ngay ở nước ta, đã có nhiều bộ, ngành và địa phương triển khai thành công việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý giấy tờ công dân và giải quyết thủ tục hành chính cho công dân, điển hình là lĩnh vực thuế và giao thông vận tải, việc ứng dụng cơ sở dữ liệu vào quản lý đã giúp giảm giấy tờ công dân thông qua việc tích hợp giấy phép lái xe mô tô và ô tô vào cùng một giấy tờ hoặc quản lý thuế của công dân thông qua số chứng minh nhân dân.
Thứ tư, hiện nay, quan điểm về xây dựng một cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cho các ngành khai thác, sử dụng chung đã được Chính phủ quan tâm và đã giao Bộ Công an triển khai xây dựng từ năm 2010. Bộ Công an cũng đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng Dự án khả thi Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đây cũng là nền tảng để sớm hoàn thành việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, làm cơ sở cho việc đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư.