KTĐT - Sau khi Lao Động phản ánh những bất cập trong cách tổ chức giao thông mới theo cách đường phố không có... ngã tư, gây rối thêm cho giao thông của Hà Nội, Sở GTVT Hà Nội đã chính thức thừa nhận đó chỉ là giải pháp tình thế.
Đồng thời Sở cũng có thông báo cầu thị tới tất cả các ngành, các nhà khoa học, cá nhân có tâm huyết trong việc tổ chức cho giao thông của Hà Nội nhằm cải thiện tình hình ùn tắc đang xảy ra trên diện rộng.
Không bền vững và... bất cập
Ông Nguyễn Nguyên Huy - Trưởng phòng quản lý giao thông đô thị - Sở GTVT Hà Nội - đánh giá cách tổ chức giao thông vừa qua mà Hà Nội đã làm tại 27 nút giao thông, đó là tạo dòng quay đầu hoàn toàn tại nút giao: Đóng dải phân cách tại các nút giao và mở dải phân cách tại 2 vị trí ngoài nút giao để buộc các dòng giao thông quay đầu tại các vị trí này (như tuyến Trần Duy Hưng - Nguyễn Chí Thanh); phối hợp phân luồng giao thông và tạo luồng quay đầu: Giữ nguyên không gian lòng nút, mở dải phân cách ngoài lòng nút để tạo điểm quay đầu; kết hợp điều chỉnh pha đèn tín hiệu giao thông và đảo giao thông dẫn dòng phương tiện; một số hướng giao thông phải thực hiện quay đầu để qua nút và hướng giao thông khác được ưu tiên pha đèn tín hiệu giao thông (nút Đại Cồ Việt - Trần Khát Chân - phố Huế - Bạch Mai); tách dòng giao thông theo phương tiện: Lắp đặt dải phân cách mềm tách nút giao thông thành 2 dòng xe riêng biệt xe 2 bánh và xe 4 bánh) như nút giao thông Đào Tấn - đường Láng; tận dụng, tổ chức lại hệ thống đèn tín hiệu giao thông, điều chỉnh chu kỳ đèn hợp lý và lắp đặt thêm đèn tín hiệu giao thông phục vụ người đi bộ và điều tiết lưu lượng giao thông trên tuyến đường; thay đổi một số tuyến đường cho xe ôtô đi một chiều, nhưng không còn phù hợp (như tuyến Trần Nhân Tông, Cát Linh, La Thành).
Với các giải pháp trên, ông Huy cho biết, bước đầu đã cải thiện tình hình giao thông, giảm ùn tắc tại 70 nút và 5 tuyến đường thường xuyên xảy ra ùn tắc.
Tuy nhiên, Sở GTVT cũng thừa nhận, trong quá trình thực hiện công tác điều chỉnh, cải tạo giao thông, sở đã gặp một số khó khăn trong việc đánh giá tính hiệu quả của các nút giao thông (đặc biệt là các nút đồng mức), các giải pháp thực hiện chủ yếu mang tính chất tình thế, không bền vững trong khi thực tế lưu lượng phương tiện tham gia giao thông ngày càng cao, năng lực thông xe của các tuyến, nút giao thông của Hà Nội không đáp ứng đủ nhu cầu thông hành của các phương tiện.
Ngoài ra, cách tổ chức giao thông mới này còn dẫn tới nguy cơ tai nạn gia tăng đối với người đi bộ, người khuyết tật tại các vị trí tạo dòng quay đầu do tốc độ dòng giao thông cao trên hướng ưu tiên. Tiếp đến là tình trạng ùn tắc tại các vị trí có phương tiện lớn (xe buýt, xe tải) quay đầu tại tuyến có bề rộng mặt đường nhỏ. Và chính lưu lượng thông hành qua nút cao khiến gia tăng sức ép về lưu lượng tại các vị trí nút giao kế cận, làm tăng nguy cơ và phát sinh các điểm ùn tắc khác.
Sẽ nghiêm túc khắc phục
Đó là khẳng định của Sở GTVT trước những tồn tại, bất cập của cách tổ chức giao thông mới. Theo đó, sở sẽ cùng CATP điều chỉnh lại các nút giao thông đã cải tạo như Nguyễn Thị Định - Lê Văn Lương; Kim Liên - Xã Đàn - Phạm Ngọc Thạch; gầm cầu vượt Ngã Tư Sở; Trường Chinh - Tôn Thất Tùng, đồng thời sẽ nghiên cứu, cải tạo các nút giao thông mới như hầm Kim Liên; nút cầu Giấy; Phạm Hùng - Trần Duy Hưng - Khuất Duy Tiến; Phạm Hùng - Mễ Trì; khu vực cổng bến xe Mỹ Đình; vườn hoa Hàng Đậu; Trần Bình Trọng - Trần Nhân Tông. Bổ sung các công trình an toàn giao thông cho người đi bộ sang đường (sơn kẻ, biển báo, đèn bấm và cầu vượt cho người đi bộ).
Ngoài ra, sẽ đẩy nhanh tiến độ thi công, thông xe kỹ thuật và đưa vào sử dụng các tuyến đường Lạc Long Quân, đường 32, Văn Cao - Hồ Tây.
* Hà Nội chưa có tuyến đường vành đai nào hoàn chỉnh theo quy hoạch. Sở GTVT Hà Nội cho biết, sở đang quản lý 583 tuyến đường và 237 cầu các loại với tổng chiều dài 1.178km. Kết cấu hạ tầng giao thông vận tải còn thiếu về số lượng và phân bố chưa hợp lý. Hiện chưa có tuyến đường vành đai nào hoàn chỉnh theo đúng quy hoạch. Đường đều có mặt cắt hẹp (80% có mặt cắt dưới 11m), số lượng giao cắt nhiều.
(Trên địa bàn TP có hơn 400.0000 ôtô các loại, hơn 3 triệu xe máy, 1 triệu xe đạp, 300 xe xíchlô. Số phương tiện cá nhân tăng quá nhanh (10 - 15%). Tỉ lệ phương tiện ôtô tham gia giao thông cao (chiếm 20 - 30% dòng phương tiện) và tỉ lệ tăng trưởng xe cơ giới 4 bánh trong dòng giao thông tăng từ 12 - 14%/năm).
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải: Sớm nghiên cứu di dời trường học, bệnh viện, cơ quan hành chính nhà nước ra khỏi nội đô
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu thành phố Hà Nội đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phố biến Luật Giao thông đường bộ; tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm trật tự an toàn giao thông; đẩy mạnh vận tải hành khách công cộng..., bố trí xe đưa đón cán bộ công nhân viên, sinh viên, học sinh. Ngoài ra, Hà Nội cần sớm triển khai việc di dời trụ sở các cơ quan hành chính nhà nước, các trường học, bệnh viện ra khỏi nội đô theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 16/2008/NQ-CP.