Sở GTVT Hà Nội, TP HCM yêu cầu các hãng taxi gỡ khẩu hiệu phản đối Uber, Grab

ĐỨC THỌ (TỔNG HỢP)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo cơ quan chức năng, việc các hãng taxi dán khẩu hiệu phản đối Uber, Grab không những làm ảnh hưởng về mặt hình ảnh của thành phố mà còn có thể đã vi phạm pháp luật về cạnh tranh.

 Một xe taxi của Vinasun dán khẩu hiệu phản đối Uber và Grab tại TP HCM
Liên quan đến sự việc nhiều xe taxi hãng Vinasun dán khẩu hiệu phản đối Uber, Grab trên địa bàn, chiều 9/10, Sở Giao thông vận tải TP HCM đã có buổi làm việc với đại diện Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam, yêu cầu tháo bỏ toàn bộ những khẩu hiệu phản đối này.

Thời gian chậm nhất để Vinasun thực hiện việc tháo bỏ là sáng 10/10.

“Việc Vinasun dán những khẩu hiệu như vậy trên các xe taxi là việc làm không hay, gây tác động xấu đến môi trường kinh doanh của TP HCM nói riêng và cả nước nói chung”, ông Trần Quang Lâm - Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải phát biểu trong buổi làm việc.

Ông Lâm thông tin thêm, trong sáng cùng ngày (9/10), các cơ quan chức năng đã phân tích kỹ về hành vi dán khẩu hiệu trên xe taxi Vinasun và đi đến ý kiến kết luận thống nhất là hành vi này không những làm ảnh hưởng về mặt hình ảnh của TP mà còn có thể đã vi phạm pháp luật về cạnh tranh, làm ảnh hưởng đến việc kinh doanh của những doanh nghiệp khác.

Đồng thời Sở Giao thông vận tải TP HCM sẽ khẩn trương báo cáo tình hình với Bộ Giao thông vận tải và Chính phủ.

Trước những ý kiến của vị đại diện Sở Giao thông vận tải TP, ông Tạ Long Hỷ - Phó tổng giám đốc thường trực của Vinasun, cho biết đơn vị sẽ đảm bảo nhanh chóng tháo bỏ những khẩu hiệu có nội dung phản đối trên, và đây là bài học để hãng rút kinh nghiệm.

Trước TP HCM, tại Hà Nội cũng đã ghi nhận nhiều hãng taxi dán khẩu hiệu phía sau đuôi xe nhằm phản đối Grab, Uber có nội dung: “Đi taxi truyền thống là bảo vệ nguồn tài chính quốc gia”; “50.000 xe thí điểm theo Quyết định 24 của Bộ Giao thông vận tải có doanh thu 18.000 tỉ đồng nhưng chỉ nộp thuế 15,8 tỉ. Vậy ngân sách thất thu ở đâu?”.

Thông qua báo chí, đại diện một doanh nghiệp taxi tại Hà Nội cho biết, việc dán khẩu hiệu này theo họ là không vi phạm pháp luật, và đây là một cách biểu thị ý kiến, đồng thời chuyển tải những bức xúc của doanh nghiệp.

Liên quan đến vấn đề này, chiều 9/10, ông Đào Việt Long - Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT Hà Nội, cho biết đã có công văn gửi các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi trên địa bàn, đề nghị tháo bỏ toàn bộ các biểu ngữ này trên các taxi do đơn vị quản lý.

Đồng thời, tuyên truyền, tập huấn đến đội ngũ lái xe của đơn vị không tham gia tụ tập đông người và phương tiện tại những địa điểm công cộng, gây mất an ninh trật tự, an toàn giao thông.

Về đề xuất dừng thí điểm Quyết định 24 của Hiệp hội taxi Hà Nội, theo ông Long, Uber, Grab đang trong giai đoạn thí điểm của Bộ GTVT.

Sau khi kết thúc thí điểm, Sở sẽ kiến nghị Bộ nghiên cứu các quy định quản lý, trong đó phân định rõ Uber, Grab là hình thức kinh doanh nào, để từ đó có hướng quản lý cụ thể, đặc biệt phù hợp, đảm bảo công bằng với các loại hình khác trong đó có taxi truyền thống.
 Gỡ bỏ khẩu hiệu phản đối Grab, Uber trên taxi tại TP HCM
Cuộc chiến giữa taxi truyền thống và Uber, Grab

Theo Quyết định 24 của Bộ Giao thông Vận tải, xe ứng dụng công nghệ như Grab, Uber được phép triển khai thí điểm xe trong 2 năm (từ tháng 1/2016 đến 1/2018) ở 5 tỉnh, thành phố, với những điều kiện kinh doanh vận tải taxi được nới lỏng khá nhiều.

Ví dụ như xe Uber và Grab được chủ động tăng, giảm giá ở từng thời điểm trong ngày, số lượng xe thí điểm không bị giới hạn, không biển hiệu nên có thể chở khách vào đường cấm… Theo đó số lượng xe chạy Grab, Uber sau 20 tháng thí điểm tăng lên 50.000 xe.

Trong khi đó, các hãng taxi đang hoạt động vận tải cùng có đối tượng khách hàng như Uber và Grab thì lại phải chịu những quy định rất chặt chẽ trong kinh doanh vận tải theo Nghị định 86 của Chính phủ, như phải phát triển số lượng xe theo đúng quy hoạch, đảm bảo các quy định về an toàn giao thông, nộp thuế theo doanh thu với tỷ lệ là 4,5%/tháng.
Ngoài ra, các taxi phải có màu, biển tên rõ ràng, thậm chí còn bị cấm đường trong khung giờ nhất định, trong khi Grab và Uber không bị ràng buộc bởi những quy định này.

Theo quy định nộp thuế đối với kinh doanh vận tải là 4,5% (như các hãng taxi) thì số thuế công ty kinh doanh vận tải Grab và Uber phải nộp ngân sách là 67,5 tỉ đồng/tháng và trong một năm là 810 tỉ đồng. Tuy nhiên trên thực tế, năm 2016, công ty TNHH Grab taxi chỉ nộp ngân sách gần 5,8 tỷ đồng. Còn Công ty TNHH Uber từ khi thành lập đến nay chỉ nộp gần 10 tỷ đồng.

Các hãng taxi khác cho rằng, cùng hoạt động kinh doanh vận tải tương đồng, nhưng mức thuế nộp có sự chênh lệch lớn đã khiến cuộc cạnh tranh trong lĩnh vực này không công bằng.

Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt, để giành lại thị phần, 10 hãng xe taxi thông thường đang đầu tư công nghệ kết nối đặt xe, không chỉ bằng điện thoại mà trên nhiều nền tảng công nghệ khác mang lại thuận lợi cho người sử dụng.
Hãng taxi Vinasun đã áp dụng công nghệ tương đồng Uber và Grab là thí điểm phần mềm V.CAR. Tập đoàn taxi Mai Linh đang tiếp tục tăng thêm số đầu xe, kêu gọi người có xe nhàn rỗi tham gia hợp tác với ứng dụng "Mai Linh Car", tương tự như các hãng taxi công nghệ Uber, Grab.

Mới đây, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết: Thủ tướng đã phê duyệt đề án thí điểm, thẩm quyền quản lý các phương tiện là của địa phương. Theo đó, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố sẽ xem xét quyết định dừng hay tiếp tục cấp phép cho các phương tiện trên cơ sở đáp ứng được nhu cầu của người dân, phù hợp với điều kiện phát triển hạ tầng của địa phương.

Trong khi các cơ quan chức năng vẫn chưa có những câu trả lời thỏa đáng thì “cuộc chiến” giữa taxi thông thường và xe ứng dụng công nghệ vẫn chưa có hồi kết.