KTĐT - Tạp chí Time của Mỹ đã làm một điều tra về tình trạng này. Bé Yunus không phải là trường hợp duy nhất. Có hàng chục đứa trẻ như vậy ở Jakarta.
Cậu bé Yunus một tuổi chưa biết bao giờ gặp lại mẹ. Mẹ bé từng đi ra nước ngoài làm thuê, rồi một ngày kia, trong khuôn viên nhà chủ, mẹ bé bị hai người cưỡng bức rồi sinh ra bé.
Ở Indonesia, thành kiến đối với việc sinh con như vậy quá nặng nề khiến mẹ Yunus đã mang con cho hai người phụ nữ trung niên tên là Ibu Herlina và Normawati. Họ nhận nuôi đứa bé này và nhiều em nhỏ có hoàn cảnh khốn khổ tương tự.
Tạp chí Time của Mỹ đã làm một điều tra về tình trạng này. Bé Yunus không phải là trường hợp duy nhất. Có hàng chục đứa trẻ như vậy ở Jakarta. Mẹ của em cũng không phải là trường hợp duy nhất trong số 6 triệu người nước này bỏ quê đi kiếm sống ở nước ngoài, chủ yếu là Trung Đông.
Nadia, bé gái vừa thôi nôi hôm 1/11, ra đời ở Jakarta sau khi mẹ em bị cưỡng bức ở Kuwait. Nadia và Yunus đều bị đưa vào nhà bảo mẫu từ thiện của bà Herlina ngay sau khi sinh.
Toàn cầu hóa biến phần lớn thế giới thành một thị trường lao động mở rộng lớn, đồng thời tạo ra nhiều bi kịch về con người và xã hội. Phụ nữ chiếm đến 50% trong số 100 triệu lao động di cư của thế giới và cũng chưa có một cơ chế hiệu quả nào để bảo vệ quyền lợi và danh dự của họ.
Năm 2008, số người Indonesia ra nước ngoài, chủ yếu là giúp việc nhà ở Trung Đông và các nơi khác của châu Á, đóng góp khoảng 6,8 tỷ USD vào nền kinh tế quốc gia thông qua lượng tiền gửi về, theo thống kê của Ngân hàng Thế giới. Và con số các bản báo cáo về những vụ lạm dụng thân thể, cưỡng hiếp cũng tăng lên, trong một số trường hợp phụ nữ làm thuê còn bị chủ giết chết.
Việc lạm dụng công nhân người Indonesia ở một số nước đã trở nên quá tai tiếng đến nỗi Jakarta đang cân nhắc việc áp đặt lệnh cấm di cư lao động đến một số địa điểm cụ thể.
Bộ trưởng Bộ Nhân lực và Lao động Muhaimin Iskander nói rằng nước này có thể sớm áp dụng lệnh cấm đưa lao động đến Ảrập Xêút và Jordan, nếu các nước sở tại không đảm bảo an toàn cho nhân công Indonesia.
Mẹ nuôi của bé Yunus kể rằng bà biết rất nhiều phụ nữ đi làm ở nước ngoài bị cưỡng hiếp, sau đó bị chủ tống ra đường và từ chối trả hộ chiếu ngay khi họ có thai. Ra đường mà không có hộ chiếu, họ thường bị cảnh sát bắt và bỏ tù. Thỉnh thoảng một số cô còn bị trục xuất trước khi đứa bé được sinh. Herlina cho biết nhiều lần các nhân viên sân bay đã gọi điện cho bà, bởi họ không biết phải làm gì với những đứa trẻ sơ sinh bị mẹ của chúng bỏ lại ở sân bay.
Normawati kể bà từng chứng kiến nhiều nữ lao động trở về với cái bụng bầu. Những câu đau xót nhất bà thường được nghe họ bật ra là "Ông chủ bảo 'mày phải ngủ với tao. Thế rồi cưỡng bức'".
Nhà bảo mẫu từ thiện của Herlina có đến 10 đứa trẻ mang nửa dòng máu nước ngoài, đều ra đời từ những vụ cưỡng hiếp và bị mẹ từ bỏ. "Anh xem, chúng nó có khuôn mặt rất Ảrập, không giống vẻ người Á như những đứa trẻ khác ở đây", Herlina nói.
Rất ít các bà mẹ liên lạc với Herlina sau khi bỏ đứa con của mình. Một số gia đình cũng có chu cấp tiền bạc cho nhà bảo mẫu từ thiện, nhưng họ quá xấu hổ về việc có một đứa con lạc loài, nên không dám đem về nuôi.
Những phụ nữ đi lao động xuất khẩu bị cưỡng bức thường là đã có gia đình và con cái ở Indonesia. Khi về nước, họ khó có thể nói cho chồng biết bi kịch và yêu cầu chồng nuôi con của kẻ cưỡng bức.
Bà Normawati cho biết vấn đề này tương đối nhạy cảm đối với nhiều người đàn ông Indonesia, bởi họ không muốn nuôi con của người đàn ông khác.
"Nếu một người phụ nữ lấy lại con mình thì sẽ có ba trường hợp xảy ra", Normawati nói, "Trường hợp thứ nhất, phổ biến nhất, người chồng nổi giận và đòi ly dị. Trường hợp thứ hai là người phụ nữ đó không về nhà nữa và sẽ tự nuôi con mình. Và trường hợp thứ ba? Người chồng sẽ chấp nhận đứa trẻ ư? Rất hy hữu".