ĐB Lê Thu Hà - Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cho rằng, trên thực tế, giá điện không tăng 8,36% như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) công bố. Như ở bậc 6 (từ 401kWh trở lên) phải trả đến 2.927 đồng/kWh. Mức này tăng đến 189% so với giá cơ sở (1.549 đồng) và tăng đến 15% so với bậc 6 trước khi chưa tăng giá.
ĐB Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) dẫn ngay trường hợp của gia đình mình: Vẫn dùng điện như cũ, không tăng thêm thiết bị nào mà hóa đơn tháng qua nhảy gần gấp đôi. Trong khi ĐB Mai Sỹ Diễn (Thanh Hoá) ví ngành điện trong sử dụng giá bậc 3, 4, 5 để điều tiết, hỗ trợ cho bậc 1, 2, tức là chưa minh bạch, khó chấp nhận. Đặc biệt với cơ chế thị trường, cách làm này là chưa phù hợp, vì người nghèo, người sử dụng ít đã có chính sách hỗ trợ tiền điện.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cũng đã dành nhiều thời gian để giải thích tại sao việc tăng giá điện là cần thiết. Ông chỉ rõ, việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân năm 2019, là dựa trên các thông số tính toán đầu vào. Đồng thời, theo quy định của Luật Điện lực thì phải có chính sách hợp lý để thu hút nhà đầu tư, đảm bảo cân đối điện. Trong khi đó, sản lượng điện do EVN tự sản xuất đang giảm dần, chủ yếu là mua từ thị trường, nên tổng chi phí hình thành giá điện do EVN sản xuất giảm.
Còn Chủ tịch EVN Dương Quang Thành cũng quả quyết ngành điện làm công khai, minh bạch. Điều này khiến nhiều người dân kỳ vọng EVN nói là sẽ làm quyết liệt. Nguyên nhân là bởi thực tế trong quá khứ EVN từng bị lùm xùm thua lỗ, đầu tư ngoài ngành, độc quyền kinh doanh. Và nói như một số ý kiến thì EVN cần hành động để lấy lại niềm tin đã bị giảm sút. Cái quan trọng nhất là lòng tin về sự minh bạch.
Như kiến nghị của nhiều ĐB, Quốc hội giám sát chuyên đề việc đầu tư, quản lý, xây dựng định mức giá bán và điều chỉnh giá bán điện; có Nghị quyết giao Chính phủ điều hành giá điện để đảm bảo tính công khai, minh bạch. Và Quốc hội, Chính phủ, Bộ Công Thương cần giúp EVN chứng minh bằng thực tế ở các con số, bằng hành động chứ không phải chỉ dừng lại ở những lời cam kết.