70 năm giải phóng Thủ đô

[Sổ tay kinh tế] Giảm chi phí, tăng minh bạch

Nha Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo quy định, Nghị định số 119/2018/NĐ-CP về hóa đơn điện tử (HĐĐT) có hiệu lực từ ngày 1/11/2018.

Tuy nhiên, để tạo thuận lợi cho việc chuyển đổi từ hóa đơn giấy truyền thống sang HĐĐT khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, Nghị định số 119 quy định thời hạn 24 tháng (từ 1/11/2018 - 1/11/2020) cho các DN chuẩn bị điều kiện về cơ sở vật chất và con người để áp dụng HĐĐT. Triển khai HĐĐT được coi là cơ hội để DN, hộ kinh doanh tiết kiệm thời gian, chi phí và hạn chế được tình trạng DN núp bóng hộ kinh doanh cá thể để né thuế.
Theo khảo sát của Tổng cục Thuế, chi phí cao nhất mà DN sử dụng hóa đơn tự in là khoảng 2.500 đồng/tờ hóa đơn, tương đương 125.000 đồng/quyển 50 số hóa đơn. Thống kê của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy, số lượng hóa đơn trung bình sử dụng mỗi tháng là 23,6 triệu, tương đương khoảng 283 triệu hóa đơn/năm. Chi phí hóa đơn tự in (chưa tính phần quản lý, lưu kho) khoảng 420 đồng/hóa đơn; chi phí HĐĐT (đã tính chi phí quản lý, lưu trữ) chỉ khoảng 292 đồng/hóa đơn. Với việc sử dụng HĐĐT, EVN tiết kiệm được khoảng 36 tỷ đồng/năm.

Có thể thấy, việc sử dụng HĐĐT sẽ tiết kiệm tiền tỷ cho DN do không mất chi phí giấy in, mực in, chi phí vận chuyển, giảm chi phí lưu trữ hóa đơn. Không chỉ đem lại lợi ích cho DN, HĐĐT còn có ý nghĩa lớn trong minh bạch hoá các giao dịch của nền kinh tế, giúp cơ quan thuế kiểm soát tốt hơn việc thực hiện nghĩa vụ thuế, giảm thiểu những gian lận và ngăn chặn những hành vi trốn thuế, gian lận thuế; nâng cao năng lực canh tranh của DN trên thị trường, tạo thuận lợi cho môi trường đầu tư, thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Tuy nhiên, việc triển khai HĐĐT quy mô lớn cũng khiến các DN, hộ kinh doanh khá lo lắng là công tác chuẩn bị cơ sở hạ tầng và nỗi lo bảo mật thông tin.

Về những lo ngại trên, đại diện Tổng cục Thuế cho rằng “không nên quá sợ hãi” vì Nghị định này không nhằm vào những hộ kinh doanh nhỏ, có doanh thu chỉ đủ nuôi sống gia đình mà chỉ tập trung vào những hộ kinh doanh lớn. Đây là những hộ sẽ phải sử dụng HĐĐT sổ sách kế toán, nộp thuế theo kê khai. Điều này nhằm thúc đẩy các hộ kinh doanh lên DN và tránh tình trạng DN núp bóng hộ kinh doanh. Ngoài ra, Nghị định cũng cho thời gian 24 tháng từ ngày chính thức có hiệu lực để DN, hộ kinh doanh chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất và con người.

Về bảo mật, một trong những vấn đề được quan tâm là việc xuất trình hóa đơn khi hàng hóa đang lưu thông trên đường. Nghị định số 119 quy định, khi kiểm tra hàng hóa lưu thông trên thị trường, đối với trường hợp sử dụng HĐĐT, cơ quan Nhà nước, người có thẩm quyền truy cập Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế để tra cứu thông tin về HĐĐT phục vụ yêu cầu quản lý và không yêu cầu cung cấp hóa đơn giấy. Các cơ quan liên quan có trách nhiệm sử dụng các thiết bị để truy cập, tra cứu dữ liệu HĐĐT.