Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Sổ tay kinh tế] Nợ thuế khó đòi tăng, lỗi tại ai?

Nha Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thông tin từ Tổng cục Thuế, tổng số nợ thuế tính đến 30/6 là 83.389 tỷ đồng, tăng 7.061 tỷ đồng (tương đương 9,3%) so với thời điểm 31/12/2018.

Trong đó, nợ có khả năng thu là 44.481 tỷ đồng, bằng 3,8% so với tổng dự toán thu ngân sách Nhà nước ngành thuế được giao; nợ không có khả năng thu lên tới gần 40.000 tỷ đồng.
Đặc biệt, hàng nghìn tỷ đồng nợ khó đòi có nguy cơ mất trắng, nhiều DN, dự án chây ì nợ thuế bị công khai năm này qua năm khác vẫn không thể thu hồi hoặc có các giải pháp mạnh mẽ để thu hồi được. Vậy, trách nhiệm của việc nợ thuế tăng cao này thuộc về ai, lỗi do DN nợ thuế hay do sự quản lý thuế của cơ quan thuế chưa đủ chặt chẽ?
Từ trước đến nay, hàng loạt nguyên nhân của tình trạng nợ thuế khó đòi tăng cao được cơ quan thuế đưa ra như DN "chết", phá sản, người đại diện pháp luật bỏ trốn… hay những khó khăn của thị trường dẫn đến DN không có lối thoát. Tuy nhiên, có một thực tế không thể phủ nhận, nếu cơ quan thuế quản lý nợ chặt chẽ hơn thì sẽ khó có tình trạng DN nợ thuế chây ì từ năm này qua năm khác.
Cán bộ quản lý thuế có thể không biết tình hình tài chính của DN khi họ nợ thuế 1 tháng, 2 tháng chứ không thể không biết khi DN đã nợ nghĩa vụ với ngân sách đầm đìa hàng quý, thậm chí hàng năm và cả mấy năm liền vẫn không thu được.
Thực tế, việc thiếu quyết liệt, cả nể trong thu hồi nợ thuế là câu chuyện có thật, “biết rồi, khổ lắm nhưng không dám nói” từ rất nhiều năm qua. Trong danh sách công khai DN nợ thuế của các cơ quan thuế địa phương, có những địa chỉ khi tìm đến DN đã gần như không còn hoạt động, có những dự án đã thay tên, đổi họ nhiều lần nhưng thuế vẫn chưa thu được. Vậy, trách nhiệm của cán bộ quản lý trực tiếp ở đâu, trách nhiệm của cơ quan thuế ở đâu?
Có thể thấy, nếu việc quản lý thuế chặt chẽ sẽ không có chuyện để “mất trắng” cả hàng nghìn tỷ đồng nợ khó thu do những nguyên nhân như DN "chết', DN phá sản… nhưng cơ quan thuế không biết hoặc biết nhưng không làm được gì. Vì thế, ngoài việc mạnh tay hơn với DN chây ì, trước hết cần sự quyết liệt, rõ người, rõ trách nhiệm hơn từ chính cơ quan thuế. Nếu cơ quan thuế, cán bộ thuế không thu hồi được nợ hoặc để nợ khó đòi tăng thì trách nhiệm của những đối tượng này ra sao, xử lý thế nào?
Chỉ khi chính những người trong cuộc xác định rõ quyền và trách nhiệm thì ngân sách mới mong giảm thất thu hàng nghìn tỷ đồng do DN nợ thuế chây ì trong khi thực tế, ông chủ các DN đó có thể vẫn “ăn no ngủ kỹ” khi thoát xác thành DN khác hay dự án nợ thuế vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt” chờ một ông chủ mới đến giải cứu, sang tên đổi chủ là xong.