Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Sổ tay kinh tế] Sửa mô hình Sở Giao dịch chứng khoán?

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi đang tiếp tục được các cơ quan chức năng đưa ra lấy ý kiến để hoàn thiện.

Trong đó, một số vấn đề liên quan đến mô hình của Sở Giao dịch chứng khoán; thẩm quyền, vị trí của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN)… đang nhận được nhiều ý kiến quan tâm, đóng góp khác nhau.
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, hai Sở Giao dịch chứng khoán (GDCK) vẫn đang vận hành tốt, do đó không cần điều chỉnh, có thêm công ty mẹ là Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam. Mô hình hoạt động của Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) vẫn đang tốt và trong điều kiện cơ chế chính sách Việt Nam thì mô hình hoạt động như thế là thiết thực. Điều cần là làm sao duy trì thương hiệu của VN-Index, thiết lập một tên chỉ dẫn cụ thể để xác định chỉ dẫn các thị trường khu vực.
Ngoài ra, đại biểu các tỉnh cũng góp ý nên có chi nhánh của Sở Giao dịch ở một số địa phương, chẳng hạn Đà Nẵng, Quảng Ninh… những địa phương có DN lớn hoạt động niêm yết sẽ phù hợp hơn. Như vậy, sẽ tạo điều kiện cho các đơn vị khi liên hệ công việc.
Theo một số ý kiến thì thay vì thành lập cơ quan quản lý trung gian là Sở GDCK Việt Nam thì nên tăng thẩm quyền của UBCKNN. Đa số các đại biểu cho rằng, Luật Chứng khoán sửa đổi nên quy định rõ vai trò của UBCKNN. Đồng thời, nên xây dựng luật phù hợp để UBCKNN có đủ quyền hạn để ra quyết định có các văn bản thật nhanh, sản phẩm thật nhanh để kịp thời với nhu cầu thị trường.
Thực tế, theo ông Vũ Bằng - nguyên Chủ tịch UBCKNN, dù trên thế giới có nhiều mô hình khác nhau về vị trí của UBCKNN, có thể độc lập hoặc trực thuộc Bộ Tài chính, thuộc ngân hàng T.Ư, song để điều hành thị trường hiệu quả thì điều quan trọng là thẩm quyền được quy định tốt. “Dù trong hay ngoài thì vấn đề là tăng quyền hạn, tạo đủ thẩm quyền cho Ủy ban xử lý các tình huống, có đủ quyền lực răn đe, giám sát trên thị trường. Trong bối cảnh hiện nay, việc đưa UBCKNN ra độc lập sẽ rất khó khăn” - ông Vũ Bằng nhận định.
Vì thế, nhiều đại biểu thống nhất, dự thảo nên quy định theo hướng tăng thẩm quyền của UBCKNN đối với các sở GDCK; thẩm quyền trong thanh tra, giám sát; thẩm quyền trong quyết định nhân sự… Đây cũng là quan điểm được đại diện Kiểm toán Nhà nước đồng tình.

Phía Bộ Tài chính khẳng định, Bộ không có quan điểm, mục đích phải giữ UBCKNN trong Bộ Tài chính. Căn cứ thực tế triển khai hoạt động của UBCKNN thời gian qua, trong giai đoạn phát triển mới, Bộ Tài chính đã đưa ra phương án trình Chính phủ và Chính phủ đã báo cáo Quốc hội.
Về mô hình Sở GDCK, theo số liệu của Bộ Tài chính, UBCKNN thu thập, mô hình công ty mẹ con là xu thế tiên tiến đang được nhiều nước áp dụng, không phải mô hình lạc hậu như một số thông tin nêu. Bộ Tài chính sẽ tiếp tục ghi nhận, báo cáo đầy đủ các ý kiến và các phương án với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để xem xét quyết định. Điều chắc chắn là, dự thảo sẽ có bước tiến tối đa về tăng thẩm quyền, vị thế cho UBCKNN, để Ủy ban thực sự có khả năng, điều kiện để thực thi nhiệm vụ, chức trách của mình.
Dự kiến, Ủy ban Kinh tế sẽ tiếp tục tổ chức các cuộc hội thảo lấy ý kiến, làm việc với các Sở GDCK để cùng cơ quan soạn thảo hoàn thiện dự thảo luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào giữa tháng 8/2019.