Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Sổ tay kinh tế] Vá lỗ hổng BOT

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) đã xác lập chuyên án đấu tranh với hành vi mua bán, sử dụng phần mềm trái pháp luật của Công ty CP Tập đoàn Yên Khánh chi nhánh Long An nhằm che giấu doanh số thu phí, trốn thuế xảy ra tại các trạm thu phí trên tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương.

Căn cứ kết quả đấu tranh và tài liệu thu thập được, ngày 26/12/2018, C03 đã chủ trì, phối hợp với Cục CSGT, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an tiến hành bắt giữ người trong trường hợp khẩn cấp và khám xét khẩn cấp đối với 5 lãnh đạo của Công ty Yên Khánh. Trước đó, Vũ Thị Hoan - Giám đốc Công ty Yên Khánh cũng đã bị bắt. Hiện, C03 đang tiến hành điều tra mở rộng để xử lý các đối tượng theo đúng quy định của pháp luật và thu hồi tài sản cho Nhà nước.

Việc đúng - sai, xử lý thế nào với các vi phạm thì phải chờ kết quả điều tra của cơ quan chức năng điều tra mới rõ. Tuy nhiên, câu chuyện gian lận thuế, phí tại các trạm BOT không phải bây giờ mới nóng.

Cách đây 2 năm, tại trạm thu phí cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, đoàn kiểm tra của Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã giám sát đột xuất công tác thu phí tại các trạm thu phí đường bộ trên tuyến đường Pháp Vân – Cầu Giẽ do Công ty CP Pháp Vân – Cầu Giẽ khai thác và quản lý. Qua kiểm tra cho thấy, mức doanh thu của tuyến cao tốc này đạt trung bình hơn 1,9 tỷ đồng/ngày, cao hơn khoảng 500 triệu đồng so với báo cáo của công ty.

Theo Luật sư Trương Thanh Đức, nguyên nhân dẫn đến việc thất thu thuế, phí từ BOT có trách nhiệm từ cơ quan quản lý Nhà nước. Việc các chủ đầu tư có thể che giấu doanh số thu phí hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng, theo đó trốn thuế cho thấy dù áp dụng CNTT hay phương pháp thủ công, nếu có sự thông đồng thì không việc gì là không thể. Trong khi doanh thu vẫn bị khai khống hàng ngày, ngân sách vẫn thất thu từ BOT thì tuyệt nhiên không xuất hiện bóng dáng của bất kỳ cơ quan trung gian nào trong vai trò giám sát. Cũng theo ông Đức, đáng lẽ, các cơ quan quản lý Nhà nước phải là đơn vị quản lý, giám sát số doanh thu tại các trạm thu phí trên tuyến cao tốc đầu tư theo hình thức BOT. Ở một số lĩnh vực, nhà đầu tư bỏ ra một khoản chi phí nhằm tạo ra thành phẩm, sau khi đạt được một mức doanh thu, họ mới phải nộp thuế tính trên số tiền chênh lệch. “Còn đối với hình thức BOT, họ tư lợi ngay trên số tiền thu phí trực tiếp từ người dân, nếu để tình trạng này kéo dài từ 5 - 7 năm, chúng ta mới phát hiện ra là không ổn” - đại diện công ty Luật Basico nhấn mạnh.

Như vậy, có thể thấy, vẫn còn những lỗ hổng đang tồn tại trong hệ thống và khâu thi hành chính sách. Ông Đức đơn cử, dự án có tổng mức đầu tư là 1.000 tỷ đồng, nhưng chủ đầu tư rất dễ dàng khai khống lên 2.000 tỷ đồng, cơ quan quản lý Nhà nước cũng dễ dàng bỏ qua vì chi phí đầu tư không xuất phát từ ngân sách Nhà nước. Phần lớn là câu chuyện giữa chủ đầu tư dự án và bên cho vay vốn nên họ hoàn toàn có thể bắt tay nhau. Về phía các cơ quan quản lý Nhà nước, có thể nhìn thấy sự hạn chế về trình độ, thiếu trách nhiệm, không khắc phục, xử lý kịp thời khi xảy ra sự cố với các dự án BOT.

Vì thế, vá lỗ hổng liên quan đến công tác giám sát, đến trách nhiệm của chủ đầu tư, cơ quan quản lý và các cơ quan liên quan là một trong những bài toán cần được giải để hạn chế thất thu từ BOT, để không xảy ra tình trạng người dân còng lưng gánh phí mà tiền tỷ lại chảy vào túi một số cá nhân tư lợi.