Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Sổ tay kinh tế] Xuất siêu thấp khi những lợi thế chưa được tận dụng

Đức Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một trong những điểm đáng chú ý trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm 2019 của Việt Nam đó là nhập khẩu tăng cao hơn xuất khẩu, dẫn đến xuất siêu thấp chỉ bằng một nửa của cùng kỳ.

Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, hiện có 7 thị trường có mức tăng nhập khẩu so với cùng kỳ, trong đó vị trí thứ nhất là Trung Quốc, tiếp đến lần lượt là Kawait, Mỹ, Đài Loan, Thái Lan, Indonesia...
Cụ thể, thị trường Trung Quốc nhập khẩu từ Việt Nam tăng tới 18,2% so với cùng kỳ. Đóng góp lớn vào tổng mức tăng nhập khẩu là các mặt hàng, máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng, máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, vải, dây điện và cáp điện, ô tô, xơ sợi dệt, điện gia dụng, rau quả...
 Ảnh mang tính minh họa. Nguồn: Internet.
Kuwait là hiện tượng bởi trong 6 tháng qua đã bất ngờ vượt lên đứng thứ 2 trong các thị trường có mức nhập khẩu tăng lớn. Nguyên nhân chủ yếu do nhập khẩu dầu thô từ đây rất lớn, chiếm gần như tuyệt đối trong tổng kim ngạch dầu thô nhập khẩu.
Tiếp đến là Mỹ, thị trường có mức tăng nhập khẩu so với cùng kỳ lớn thứ 3 trong các thị trường (kim ngạch nhập khẩu 6 tháng năm nay đạt hơn 6,9 tỷ USD, cao hơn quy mô hơn 6 tỷ USD của cùng kỳ năm trước).
Đây là một trong những động thái để giảm bớt mức xuất siêu vào thị trường này, tránh các hàng rào kỹ thuật. Đài Loan là thị trường có mức tăng nhập khẩu lớn thứ 4 trong các thị trường (mức nhập khẩu trong 6 tháng qua là hơn 7,1 tỷ USD, cao hơn mức hơn 6,3 tỷ USD cùng kỳ năm trước).
Trong khi đó, Thái Lan là thị trường mà Việt Nam có mức tăng nhập khẩu đứng thứ 5 trong các thị trường. Kim ngạch nhập khẩu từ Thái Lan tăng 12,2%, cao hơn tốc độ tăng tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước (8,9%). Các mặt hàng nhập khẩu tăng cao gồm có rau quả, máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, ô tô nguyên chiếc…
Do nhập khẩu tăng cao hơn xuất khẩu nên nhập siêu từ Thái Lan lớn và tăng so với cùng kỳ (hơn 3,2 tỷ USD so với hơn 2,6 tỷ USD). Indonesia là thị trường có mức tăng nhập khẩu lớn thứ 6 trong các thị trường vào Việt Nam.
Nhập khẩu từ Indonesia tăng tới 27,4%, cao gấp 3 lần tốc độ tăng tổng nhập khẩu của cả nước. Các mặt hàng nhập khẩu từ Indonesia tăng cao có ô tô nguyên chiếc, sắt thép, máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, thủy sản, dầu mỡ động thực vật... Cuối cùng là Australia, nếu cùng kỳ năm trước Việt Nam xuất siêu (343,1 triệu USD), nhưng 6 tháng đầu năm nay đã chuyển sang nhập siêu (568,3 triệu USD).
Qua số liệu cho thấy, tổng mức nhập khẩu của 7 thị trường trong 6 tháng là hơn 10,2 tỷ USD, lớn hơn tổng mức tăng nhập khẩu của cả nước (hơn 9,8 tỷ USD) và lớn hơn tổng mức tăng của tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước (hơn 8,2 tỷ USD) trong cùng kỳ năm trước. Điều đó chứng tỏ mức tăng, giảm nhập khẩu của các quốc gia trên có vai trò quan trọng đối với mức tăng, giảm chung của toàn bộ kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam.
Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý khi xuất, nhập khẩu đối với một số thị trường. Cụ thể, đối với thị trước Mỹ, do hàng Trung Quốc xuất khẩu vào thị trường này gặp khó khăn vì bị áp thuế suất cao, nên hàng hóa Trung Quốc tìm đường xuất khẩu vào các nước khác, trong đó có Việt Nam.
Hay đối với những mặt hàng nhập khẩu tăng cao từ Australia như than, quặng và khoáng sản khác, sắt thép, rau quả, sữa và sản phẩm từ sữa... các DN Việt Nam cần tranh thủ tốt hơn các ưu đãi về thuế suất do Australia và Việt Nam cùng nằm trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).