Trước đó, ngày 26/4/2017, Ban tổ chức Hội Gióng 2017 có giấy mời Khai mạc Lễ hội Gióng và khánh thành dự án tu bổ, tôn tạo Khu di tích quốc gia đặc biệt Phù Đổng. Trên thực tế, dự án tu bổ này chưa thực hiện nghiệm thu, bàn giao công trình, nói cách khác là chưa hoàn thành công tác tu bổ nên không thể tổ chức khánh thành.
Trong công văn nêu rõ, Sở VH&TT Hà Nội yêu cầu UBND huyện Gia Lâm dừng nội dung “Khánh thành dự án tu bổ, tôn tạo Khu di tích quốc gia đặc biệt Phù Đổng” tại buổi khai mạc Lễ hội Gióng năm 2017 vào ngày 2/5/2017 để thực hiện việc nghiệm thu, bàn giao dự án theo quy định.
Hồi đầu tháng 4/2017, dự án tu bổ, tôn tạo Khu di tích quốc gia đặc biệt Phù Đổng đã mắc phải phản ứng của dư luận về việc 2 mảng chạm ở đền Phù Đổng (Gia Lâm, Hà Nội) bị sơn đỏ lòe loẹ. Trong khi đó nguyên gốc của mảng chạm này để mộc và được hình thành khoảng thế kỷ XVII - XVIII, mang nhiều giá trị độc đáo về mỹ thuật. Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật đền Phù Đổng được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt năm 2013.
Ngoài nghệ thuật kiến trúc, giá trị của di tích còn nằm ở hệ thống di vật, cổ vật đa dạng, phong phú về chủng loại có niên đại thời Lê Trung Hưng, Tây Sơn và thời Nguyễn. Chắc chắn 2 bức chạm ở bậu cửa sổ di tích cũng là một trong những yếu tố làm nên tổng thể xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt của đền Phù Đổng. Theo các chuyên gia mỹ thuật, hành động sơn thếp 2 bức chạm vô tình đã phá hỏng toàn bộ giá trị của linh kiện gỗ, vì nước sơn phủ lên rất khó phục hồi, chưa kể nhiều hình dáng chạm trổ điêu luyện vì thế mà mất đi.
Để khắc phục việc tu bổ làm phá hỏng yếu tố gốc của cấu kiện Sở VH&TT đã yêu cầu phải lấy ý kiến các nhà quản lý, các nhà khoa học, các nhà chuyên môn về việc khắc phục đối với 2 mảng chạm tại bậu cửa sổ, và hoàn thành trước ngày 30/4.