Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đề nghị Bộ Y tế cấp thêm 100.000 liều Molnupiravir

VIÊT HÙNG - MẠNH DŨNG
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với khoảng 55.000 bệnh nhân F0 đang cách ly tại nhà và các cơ sở cách ly, do vậy nhu cầu sử dụng Molnupiravir cũng tăng tương ứng. Trước tình hình đó, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã có văn bản đề nghị Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) cấp bổ sung 100.000 liều Molnupiravir.

Cũng tại văn bản này, lãnh đạo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết Sở và trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đang triển khai chương trình thí điểm điều trị có kiểm soát (bằng thuốc Molnupiravir) cho các bệnh nhân Covid-19 nhẹ tại nhà và cộng đồng ở TP Hồ chí Minh theo Đề án nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng đã được Bộ Y tế phê duyệt. 
Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đề nghị Bộ Y tế cấp thêm 100.000 liều Molnupiravir - Ảnh 1
 TP Hồ Chí Minh thí điểm điều trị có kiểm soát bằng thuốc Molnupiravir (ảnh minh họa)
Từ khi TP Hồ Chí Minh thí điểm điều trị có kiểm soát bằng thuốc Molnupiravir, Bộ Y tế đã cấp 110.000 liều (gồm 50.000 liều Molnupiravir 400 mg Stella Việt Nam và 60.000 liều Molnupiravir 200 mg Optimus Ấn Độ).
Theo đó, Sở Y tế đã điều chuyển 43.000 liều cho các tỉnh (theo chỉ đạo của Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo), đã cấp 67.000 liều Molnupiravir cho các trung tâm y huyện và TP Thủ Đức, các trạm y tế, trạm y tế lưu động, bệnh viện dã chiến và bệnh viện trên địa bàn thành phố để điều trị cho bệnh nhân F0.
Được biết, Molnupiravir mới đây đã được Bộ Y tế cập nhật vào Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19, cập nhật lần thứ 7 theo Quyết định số 4689 ngày 6/10/2021.
Hiện tại, số trường hợp F0 có xu hướng tăng sau khi TP Hồ Chí Minh triển khai áp dụng thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 (với khoảng 55.000 bệnh nhân F0 đang cách ly tại nhà và cơ sở cách ly), do đó nhu cầu sử dụng Molnupiravir cũng tăng tương ứng.
Qua các kết quả báo cáo giữa kỳ của chương trình tại 22 tỉnh/thành phố cho thấy thuốc có tính an toàn cao, dung nạp tốt, hiệu quả rõ rệt về giảm tải lượng virus, giảm lây lan, giảm chuyển nặng, rút ngắn thời gian điều trị với tỷ lệ bệnh nhân có kết quả xét nghiệm RT-PCR sau 5 ngày âm tính hoặc dương tính với giá trị CT ≥ 30 từ 72,1% đến 99,1%; tỷ lệ bệnh nhân có kết quả xét nghiệm RT-PCR sau 14 ngày âm tính hoặc dương tính với giá trị CT ≥ 30 gần 100%; tỷ lệ chuyển nặng rất thấp từ 0,02%-0,06% và không có ca nào dẫn đến tử vong.
Hiện Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đang còn 2.000 liều Molnupiravir và sẽ cấp phát hết trong 2 ngày nữa. Vì vậy, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đề nghị Bộ Y tế xem xét cấp bổ sung 100.000 liều Molnupiravir để đáp ứng nhu cầu điều trị cho F0.