Sự kiện đánh dấu bước phát triển mạnh mẽ từ một huyện phía Bắc Thủ đô có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn bậc nhất Hà Nội, trên đường phấn đấu về đích NTM năm 2019.
Gần 5 vạn hộ trông vào sản xuất nông nghiệp nhưng 10 năm trước, giá trị canh tác trên 1ha của huyện Sóc Sơn chỉ đạt 86 triệu đồng. Đời sống của người nông dân bởi vậy gặp rất nhiều khó khăn. Thu thập bình quân theo đầu người chỉ khoảng 18 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo còn tới trên 15%. Toàn huyện chưa có xã nào đạt quá 5/19 tiêu chí trong bộ tiêu chí xây dựng NTM.
Sau 10 năm thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU, đến nay, huyện Sóc Sơn đã có 20/25 xã đạt chuẩn NTM, 5 xã còn lại đạt và cơ bản đạt từ 15 – 17 tiêu chí. Diện mạo nông thôn ngày một đổi thay tích cực. Hiện, 95,4% đường trục thôn, liên thôn; 90,6% đường ngõ xóm; 79,4% kênh mương được kiên cố hóa. 95% rác thải sinh hoạt khu vực nông thôn được thu gom, vận chuyển trong ngày. 99% hộ dân dùng nước sạch hợp vệ sinh, trong đó 40% được sử dụng nước sạch...
Đáng chú ý, giá trị sản xuất trên 1ha đất nông nghiệp đã đạt gần 275 triệu đồng. Thu nhập bình quân đầu người liên tục tăng, hiện đã đạt khoảng 44 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo liên tục giảm qua các năm, hiện còn 1,8% theo chuẩn nghèo đa chiều. 92% lao động trong độ tuổi có việc làm thường xuyên. Chất lượng y tế, giáo dục, đời sống văn hóa được nâng lên…
Bước chuyển biến trên có được một phần quan trọng đến từ nguồn lực đầu tư lớn của TP. Theo đó, trong 10 năm qua, TP đã quan tâm, hỗ trợ huyện Sóc Sơn gần 677 tỷ đồng; ngân sách huyện, xã và vốn lồng ghép thực hiện Chương trình xây dựng NTM cũng đạt gần 2.100 tỷ đồng. Đặc biệt, huyện đã huy động được từ nguồn xã hội hóa gần 1.200 tỷ đồng và nhận được 91,5 tỷ đồng hỗ trợ từ các quận: Đống Đa, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng, Ba Đình để hiện thực hóa các mục tiêu NTM.
Theo Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn Phạm Xuân Phương, chủ trương đúng đắn, kịp thời của Đảng, hợp với lòng dân đã góp phần thay đổi căn bản diện mạo của địa phương từng được ghi nhận là khó khăn nhất của Hà Nội. Xây dựng NTM đã trở thành phong trào rộng khắp. Dân chủ cơ sở được nâng cao, ý thức và trách nhiệm làm chủ của người dân từng bước được nâng lên. Qua đó, phát huy được nhiều cách làm sáng tạo, góp phần huy động được đa dạng nguồn lực đóng góp cho Chương trình xây dựng NTM.
Ông Phương cũng nhấn mạnh, vai trò làm chủ, trách nhiệm của Nhân dân là yếu tố quyết định của mọi sự thành công. Do đó trong giai đoạn tới, bên cạnh tranh thủ sự hỗ trợ của các cấp, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Toàn dân chung sức xây dựng NTM”, huy động sự hỗ trợ của các tổ chức, DN, các quận và toàn thể xã hội bằng nhiều hình thức đa dạng. Đồng thời, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, để “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng thụ”.