Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sóc Sơn gặp khó tiêu chí thủy lợi

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đến nay, huyện Sóc Sơn đã có 18/25 xã về đích nông thôn mới. Đáng chú ý, với 7 xã còn lại chưa về đích, có một khó khăn chung là tiêu chí thủy lợi.

Hệ luỵ “kép”

Nằm ở khu vực trũng nhất của huyện Sóc Sơn, những năm qua, diện tích canh tác nông nghiệp thuộc xã Việt Long, huyện Sóc Sơn luôn đối diện với nỗi lo úng ngập khi mùa mưa tới. Là công trình thủy lợi duy nhất phục vụ tiêu thoát úng của địa phương nhưng Trạm bơm tại thôn Tăng Long đang ngày một xuống cấp do được xây dựng từ năm 1978. 15 tổ máy nhưng công suất chỉ đạt khoảng 930m3/s, cùng với việc kênh dẫn bị bồi lắng khiến khả năng tiêu thoát nước cho 920ha đất canh tác nông nghiệp bị hạn chế. Điều này khiến sản xuất nông nghiệp của người dân xã Việt Long gặp rất nhiều khó khăn.
 Hệ thống kênh mương thủy lợi ở xã Bắc Sơn mới được cải tạo, nâng cấp. Ảnh: Lâm Nguyễn.
Hệ thống kênh mương thủy lợi ở xã Bắc Sơn mới được cải tạo, nâng cấp. Ảnh: Lâm Nguyễn

Xã Việt Long chỉ là một trong số 7 địa phương trên địa bàn huyện Sóc Sơn đang rất trăn trở với sự xuống cấp của hệ thống các công trình thủy lợi. Giám đốc Xí nghiệp Đầu tư phát triển thủy lợi huyện Sóc Sơn Nguyễn Mạnh Quân cho biết, quá trình theo dõi, kiểm tra, đánh giá, đến nay các hạng mục công trình thủy lợi của xã Việt Long và 6 địa phương khác gồm: Tân Minh, Xuân Thu, Bắc Phú, Bắc Sơn, Kim Lũ, Minh Phú đều bị xuống cấp, hư hỏng nặng. Hầu hết các công trình được xây dựng từ những năm 60 của thế kỷ trước nhưng chưa được đầu tư nâng cấp.

Việc hệ thống thủy lợi không bảo đảm công năng khiến 7 xã nói riêng và huyện Sóc Sơn gặp rất nhiều khó khăn trên đường về đích, bởi đây là một trong số những tiêu chí quan trọng cần hoàn thành trong bộ tiêu chí Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đáng lo ngại hơn là đời sống và sản xuất nông nghiệp của nhiều hộ nông dân các địa phương cũng đứng trước những mối lo lớn mỗi khi mùa mưa bão cận kề.

Trông chờ nguồn vốn hỗ trợ

Theo Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Tạ Thị Thu Trang, thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU, từ năm 2016 đến nay, địa phương đã chủ động bố trí vốn, đầu tư cải tạo, nâng cấp 37 công trình thủy lợi và kiên cố hóa gần 70km kênh mương, thủy lợi nội đồng. Đặc biệt, trước sự xuống cấp nghiêm trọng của hệ thống thủy lợi, để bảo đảm cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp trong năm 2018, huyện cũng đã bố trí 2,9 tỷ đồng từ ngân sách dự phòng của địa phương để nâng cấp một số công trình trọng điểm. Tuy nhiên, do nguồn ngân sách hạn hẹp nên nhiều công trình thủy lợi chậm được đầu tư.

Trên thực tế, huyện Sóc Sơn là một trong những địa phương có năng lực huy động vốn xã hội hóa thuộc nhóm cao nhất TP. Tính riêng từ năm 2016 đến nay, tổng kinh phí từ nguồn xã hội hóa thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới của địa phương đạt khoảng 390 tỷ đồng. Tuy nhiên, nguồn kinh phí này lại chủ yếu được đầu tư cho các công trình phúc lợi xã hội, trong khi vốn cho thủy lợi rất ít.

Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn Phạm Xuân Phương cho biết, thực hiện Thông báo Kết luận số 229 của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, địa phương đang nỗ lực phấn đấu để về đích nông thôn mới trong năm 2019. Theo đó, từ nay tới hết năm 2019, huyện sẽ phải đưa 7 xã nêu trên hoàn thành chương trình. Nhưng để hiện thực hóa được mục tiêu này, một trong những bài toán nan giải nhất mà địa phương cần giải quyết chính là tiêu chí thủy lợi.

Theo ông Phương, thực hiện các quyết định của UBND TP Hà Nội, địa phương đã tiến hành bàn giao các công trình thủy lợi về TP quản lý đầu tư. Do đó, kiến nghị TP quan tâm, bố trí vốn đầu tư. Theo tính toán, nguồn kinh phí để thực hiện đồng bộ hóa hệ thống thủy lợi trên địa bàn huyện Sóc Sơn là gần 100 tỷ đồng. Đây sẽ là trợ lực quan trọng, cấp thiết để địa phương có thể hoàn thành mục tiêu trở thành “Huyện nông thôn mới” trong năm 2019.