Khuyến khích tự tháo dỡ
Xã Minh Phú là địa phương đầu tiên bắt tay vào xử lý các công trình vi phạm đất rừng phòng hộ. Phó Chủ tịch UBND xã Minh Phú Nguyễn Đức Tâm cho biết, từ năm 2017 - 2018, địa phương để xảy ra 20 vi phạm trật tự xây dựng trên đất rừng.
Thực hiện chỉ đạo của Thanh tra TP và UBND huyện Sóc Sơn, địa phương đã xây dựng kế hoạch cưỡng chế toàn bộ 20 công trình này. Đến nay, đã hoàn thành cưỡng chế đối với 5 công trình tại thôn Lâm Trường.
Ghi nhận quá trình tổ chức cưỡng chế 5 công trình cho thấy, việc xử lý diễn ra khá thuận lợi. Bà Nguyễn Thị Tuyết, chủ một hộ gia đình có công trình bị xử lý tại thôn Lâm Trường cho biết, trước khi thực hiện cưỡng chế, chính quyền địa phương đã có thông báo, vận động người dân tự tháo dỡ những hạng mục vi phạm. Cũng giống như bà Tuyết, các hộ dân dù vẫn có những tâm tư, tuy nhiên, khi kết luận của Thanh tra TP được ban hành, tất cả đều tuân thủ khá nghiêm túc việc tháo dỡ.
Thực tế, trong quá trình triển khai xử lý các vi phạm đất rừng, UBND huyện Sóc Sơn rất chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền, vận động các hộ dân chấp hành. Đặc biệt là khuyến khích các hộ tự giác tháo dỡ những hạng mục công trình có vi phạm. Đến nay, đã có 4 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng trên đất rừng phòng hộ tại các xã đang tiến hành tự tháo dỡ; lực lượng chức năng không cần tổ chức cưỡng chế.
Dù vậy, công tác xử lý các vi phạm đất rừng thời gian tới được đánh giá sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Chính vì vậy, các xã có công trình vi phạm xây dựng trái phép trên đất rừng phòng hộ cũng đã lên một số phương án để công tác xử lý đạt hiệu quả theo tiến độ.
Kiểm điểm trách nhiệm cán bộ
Cùng với tích cực triển khai xử lý nghiêm các công trình vi phạm đất rừng phòng hộ, UBND huyện Sóc Sơn cũng đang chỉ đạo các xã, thị trấn, phòng ban chức năng tiến hành kiểm điểm trách nhiệm những cán bộ có liên quan.
Theo Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị huyện Sóc Sơn, vừa qua, đơn vị đã tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối với nhiều cán bộ làm công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn 9 xã, thị trấn, khi để xảy ra vi phạm trên đất rừng trong 2 năm 2017 - 2018. Đây là cơ sở để UBND huyện đánh giá, có hình thức xử lý cán bộ.
Trước đó, kết luận của Thanh tra TP Hà Nội xác định: Các cán bộ thuộc Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị huyện Sóc Sơn nói riêng, phòng ban liên quan và lãnh đạo 9 xã, thị trấn có công trình vi phạm đất rừng phòng hộ, đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý về đất đai và trật tự xây dựng theo quy định tại Nghị định số 180/2007/NĐ-CP và Nghị định số 102/2014/NĐ-CP của Chính phủ.
Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Đỗ Minh Tuấn cho biết, quan điểm của địa phương là sẽ thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các vi phạm đất rừng theo thông báo kết luận của Thanh tra và chỉ đạo của UBND TP Hà Nội. Cùng với xử lý dứt điểm các vi phạm trong hai năm 2017 - 2018, huyện cũng sẽ từng bước xây dựng kế hoạch và phương án xử lý các vi phạm đất rừng từ những năm trước đó theo đúng quy định của pháp luật.
Theo Thông báo kết luận thanh tra số 1113/TBKL-TTLN-P3 ban hành ngày 15/3/2019 của Thanh tra TP Hà Nội, nhà ở của ca sĩ Mỹ Linh là một trong số những công trình có vi phạm đất rừng phòng hộ. Tuy nhiên, UBND huyện Sóc Sơn xác định, các hạng mục công trình nhà ở của ca sĩ Mỹ Linh đều được xây dựng từ những năm 2008 – 2009, từ năm 2009 đến nay, không phát sinh vi phạm mới. Đây là lý do giải thích cho việc nhà ở của ca sỹ Mỹ Linh chưa thuộc diện phải xử lý, cưỡng chế trong đợt này. |