Ngày 26/6, ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, theo kế hoạch, cuối tháng 6 có thể tổ chức khai thác cát biển trên vùng biển của tỉnh này.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, hiện chỉ còn chờ Bộ TN&MT có văn bản chấp thuận giao khu vực biển cho nhà thầu là có thể bắt tay vào khai thác cát biển.
Theo kế hoạch, ngày 29/6 sẽ tổ chức khai thác cát biển, đơn vị được chọn triển khai đầu tiên việc khai thác cát biển thuộc nhà thầu của Ban quản lý dự án Mỹ Thuận. Để đảm bảo hoạt động quản lý khai thác, tỉnh Sóc Trăng cũng đã thành lập tổ kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác cát biển.
Trước đó, UBND tỉnh Sóc Trăng đã có công văn gửi 28 tỉnh, thành phố, các chủ đầu tư về việc đăng ký nhu cầu sử dụng cát biển phục vụ các dự án cao tốc theo cơ chế đặc thù.
Tại buổi làm việc với tỉnh Sóc Trăng đầu tháng 6/2024, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận cho rằng, thời điểm hiện tại thời tiết rất thuận lợi để khai thác cát biển. Trường hợp kéo dài đến tháng 10, tháng 11, vùng biển Sóc Trăng xuất hiện gió chướng mạnh, không thể triển khai phương tiện khai thác. Việc chậm đưa vào khai thác cát biển sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ dự án và có nguy cơ không hoàn thành tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Vào tháng 12/2023, Bộ TN&MT và Bộ GTVT đã chuyển giao kết quả thực hiện dự án “Đánh giá tài nguyên cát biển phục vụ các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL” tại khu mỏ B1 cho tỉnh Sóc Trăng.
Theo kết quả đánh giá, khu vực mỏ cát biển B1 có diện tích 32km2 (cách luồng Định An hơn 20km), tổng sản lượng cát khoảng 145 triệu m3 đáp ứng khả năng sử dụng làm vật liệu san lấp.