Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Soi” vào quá trình phấn đấu là biết cán bộ xứng đáng hay không?

theo VOV
Chia sẻ Zalo

Thông qua việc xem xét, đánh giá thực chất cả quá trình phấn đấu, thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên có thể biết họ có tham quyền lực hay không.

Bộ Chính trị mới đây ban hành quy định về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Đây là lần đầu tiên BCT quy định về vấn đề này và được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình ủng hộ.
Để biết được cán bộ đó không tham quyền lực chỉ có thể bằng việc "soi xét" cả quá trình phấn đấu và hiệu quả công việc của họ làm. Ảnh minh họa
Ông Nguyễn Xuân Trường, cán bộ về hưu ở Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân, Hà Nội cho rằng, Bộ Chính trị ra quy định về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý là rất trúng và đúng thời điểm. Theo ông Trường, quy định về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nếu làm tốt sẽ có kết quả tích cực, vững chắc trong công tác xây dựng Đảng. Việc tổ chức chỉ đạo xây dựng đội ngũ cán bộ có ý nghĩa quyết định đối với vận mệnh của đất nước, quyết định sự sống còn của chế độ và uy tín, hiệu lực của Đảng trong lãnh đạo nhân dân.
“Người dân đều nhận thấy hiện nay một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái phẩm chất đạo đức chính trị, dẫn đến mất lòng tin trong nhân dân. Quy định này được đưa ra rất kịp thời và được cán bộ đảng viên hết sức ủng hộ. Chúng tôi mong quy định này sớm được phổ biến đến tận các chi bộ cơ sở để toàn thể đảng viên thấy được nhiệm vụ của mình trong thời kỳ cách mạng mới, làm sao lấy được lòng tin của nhân dân”, ông Trường bày tỏ quan điểm.
Bộ Chính trị quy định cán bộ thuộc diện Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý phải là những cán bộ tuyệt đối không tham vọng quyền lực. Vì cán bộ mà tham vọng quyền lực sẽ không toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân. Tuy nhiên, làm thế nào để biết được cán bộ đó không tham quyền lực chỉ có thể bằng việc "soi xét" cả quá trình phấn đấu và hiệu quả công việc của họ làm.
Ông Phạm Thế Duyệt - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng: “Bây giờ nhìn thẳng vào xem ai có tham vọng quyền lực thì không dễ. Nhưng mà cả quá trình, ai cũng nhìn thấy, đã từng chạy chức chạy quyền, đã từng đút lót phong bì với cấp trên, đã từng đánh bóng mình… nhưng quá trình ấy còn rất đơn giản, chưa vững vàng và chưa thể hiện con người đạt được tiêu chí như trung ương đề ra. Theo tôi tiêu chí là rất đúng nhưng đánh giá phải nhìn vào cuộc sống, gia đình, bản thân quá trình công tác từ dưới lên trên, từ thấp lên cao, thì mới đánh giá hết được”.
Đông đảo cán bộ, đảng viên và người dân cũng đánh giá cao việc quy định cán bộ phải là trung tâm đoàn kết, gương mẫu về mọi mặt, không tham nhũng, kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; tuyệt đối không để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi. Đặc biệt, việc quy định các tiêu chuẩn cụ thể đối với từng chức danh Bộ trưởng và tương đương, trưởng các đoàn thể chính trị, xã hội Trung ương, Bí thư Tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân, UBND tỉnh, TP, có ý nghĩa rất quan trọng.
Ông Nguyễn Đăng Vang - Bí thư Chi bộ tổ 16 phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội khẳng định, còn nhiều địa phương chưa chấp hành nghiêm chỉnh sự chỉ đạo của cấp trên. 
“Lãnh đạo của nhiều tỉnh hiện nay có hiện tượng “trống đánh xuôi kèn thổi ngược”. Nghĩa là chấp hành các Nghị quyết và chủ trương của trung ương - tôi thấy có một số tỉnh rất yếu kém. Do đó việc chấn chỉnh bằng tiêu chuẩn hóa, tiêu chí cán bộ như thế này là rất phù hợp để chúng ta chống tham nhũng và đồng thời kiện toàn lại tổ chức đảng mạnh về tổ chức, vững vàng về tinh thần”, ông Vang chia sẻ quan điểm.
Để biết được cán bộ, đảng viên đó không tham quyền lực chỉ có thể thông qua việc xem xét, đánh giá thực chất cả quá trình phấn đấu, thực hiện nhiệm vụ của người cán bộ, đảng viên, đặc biệt là các cán bộ lãnh đạo giữ các trọng trách trong Đảng và Chính quyền. Quá trình phấn đấu ấy là cả một chặng đường dài với nhiều khó khăn, phức tạp và cũng chính là cuộc đấu tranh với chính bản thân mỗi người nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém, khuyết điểm của bản thân.