Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sớm có tiêu chí, quy chuẩn rõ ràng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Từ cuối năm 2012 đến nay, Hà Nội và 8 tỉnh, TP gồm TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Bến Tre, An Giang đã tổ chức xây dựng thí điểm mô hình chợ đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP), nhưng trong quá trình triển khai đang gặp không ít khó khăn.

Hiệu quả từ mô hình thí điểm

Chị Nguyễn Phương Ngân, nhà ở khu tập thể Khương Thượng (quận Đống Đa) chia sẻ: Mặc dù chợ đảm bảo ATTP tại A12 Khương Thượng mới đi vào hoạt động nhưng đã lấy được lòng tin của người tiêu dùng do các sản phẩm được bày bán trong chợ đã có sự kiểm tra chặt chẽ. Nhiều người khi đến đây mua hàng mong muốn mô hình chợ này cần được nhân rộng. 

Sớm có tiêu chí, quy chuẩn rõ ràng - Ảnh 1

Chợ A12 Khương Thượng là mô hình chợ an toàn thực phẩm cần được nhân rộng.Ảnh: Đức Giang

Ông Phan Tiến Bình, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết: Để có được kết quả như vậy, từ cuối tháng 12/2012 đến nay, ngành Công Thương Hà Nội đã phát 1.000 tờ rơi tới các hộ kinh doanh để tuyên truyền về ATTP, vận động nhân dân thực hiện, tạo điều kiện cho việc phát triển mô hình chợ đảm bảo ATTP trên toàn TP.

Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, tại các tỉnh Bến Tre, Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế… cũng đã xây dựng và đưa vào hoạt động một số chợ theo mô hình này. Sau thời gian hoạt động, những khu chợ như trên đã đem lại lợi ích thiết thực cho cả người bán lẫn người mua, bởi thực phẩm tươi sống kinh doanh đều có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; quầy sạp, trang thiết bị trong chợ sạch sẽ, đảm bảo ATTP. Ngoài ra, các tiểu thương còn được Nhà nước, DN hỗ trợ, đầu tư địa điểm bán hàng sạch đẹp từ đó có cơ hội xây dựng thương hiệu, uy tín về hàng hóa. 

Tuy nhiên, thực tế triển khai hoạt động này cho thấy, để xây dựng chợ đảm bảo ATTP, chợ được lựa chọn phải nằm ở khu vực trung tâm và có điều kiện nhất định về cơ sở vật chất. Người bán trong chợ cũng phải được tập huấn về ATTP và phải có Giấy chứng nhận sức khỏe.

Chính quyền địa phương cần tích cực vào cuộc

Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định nhưng trong quá trình nhân rộng mô hình chợ đảm bảo ATTP vẫn còn nhiều khó khăn.

Bà Nguyễn Thị Như Mai, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội than phiền: Mặc dù trong thời gian qua, UBND TP đã đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất cho hệ thống chợ trên địa bàn nhưng hầu hết cơ sở vật chất, trang thiết bị, hệ thống cấp thoát nước phục vụ hoạt động kinh doanh, mua bán còn kém. Điều này làm ảnh hưởng đến chất lượng hàng hóa cũng như đảm bảo ATTP bán tại các chợ. 

Trong khi đó, UBND các quận, huyện, thị xã còn khá thờ ơ với việc xây dựng mô hình "chợ an toàn" nên tiến độ triển khai nhân rộng mô hình chợ đảm bảo ATTP đang rất chậm. Chính vì vậy, hiện nay, ngoài chợ A12 Khương Thượng, Sở Công Thương vẫn chưa thể xác định được địa điểm của 19 dự án chợ an toàn theo yêu cầu của UBND TP.

Lãnh đạo ngành Công Thương các tỉnh cũng phản ánh, đặc thù của chợ truyền thống là các sản phẩm kinh doanh tại đây liên quan đến nhiều bộ, ngành khác nhau như Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, Bộ Y tế… nhưng các bộ này lại chưa thống nhất đưa ra được tiêu chí trong xây dựng "chợ an toàn". Điều này gây ra khó khăn cho Ban quản lý các chợ trong việc bố trí quầy, sạp hợp lý, đảm bảo vệ sinh.

Để xây dựng được hệ thống chợ đảm bảo ATTP, đại diện ngành Công Thương Hà Nội cho rằng, trong thời gian tới, các ngành liên quan cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa với ngành Công Thương trong việc triển khai mô hình này. Theo đó, ngành NN&PTNT quản lý ATTP trong suốt quá trình sản xuất, chế biến, giết mổ, sơ chế, bảo quản đối với sản phẩm thực phẩm; Thông tin cho Sở Công Thương và đơn vị quản lý chợ về quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn, các khu giết mổ tập trung, các cơ sở vi phạm ATTP… 

Qua  đó giúp các hộ kinh doanh tại chợ mua được sản phẩm sạch đảm bảo ATTP. Ngành Y tế tăng cường thanh, kiểm tra ATTP, định kỳ hoặc đột xuất lấy mẫu thực phẩm kiểm nghiệm nguy cơ ô nhiễm thực phẩm trong chợ, cảnh báo sự cố ngộ độc thực phẩm trong chợ.

Tuy nhiên, vị đại diện này nhấn mạnh, điều quan trọng hơn cả là cần có sự vào cuộc tích cực hơn từ phía chính quyền các địa phương trong việc tham gia cùng ngành Công Thương trong hoạt động xây dựng hệ thống chợ đảm bảo ATTP.