Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sớm hoàn tất việc kiểm kê và phân cấp quản lý rừng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 12/3, Ban chỉ đạo Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng TP Hà Nội tổ chức hội nghị đánh giá công tác quản lý và phát triển rừng (QLPTR) năm 2014. Triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2015.

Theo số liệu thống kê của Sở NN&PTNT, năm 2014 diện tích đất lâm nghiệp trên địa bàn TP là 27.934,98ha, phân bố tại 7 huyện, thị xã: Ba Vì, Sóc Sơn, Sơn Tây, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ và Mỹ Đức. Trong đó diện tích có rừng là 23.791,19ha. Trong năm 2014, TP đã trồng mới được 207ha, gồm 187ha rừng sản xuất; 20ha rừng phòng hộ; trồng rừng sinh thái 49,5ha, còn lại là các diện tích trồng thuần keo. Đồng thời, TP đã giao khoán quản lý 6.531,6ha, chiếm 72% diện tích rừng phòng hộ, đặc dụng; hỗ trợ cho cộng đồng dân cư vùng đệm khu rừng đặc dụng Hương Sơn.
Hà Nội tổ chức hội nghị đánh giá công tác quản lý và phát triển rừng
Hội nghị đánh giá công tác quản lý và phát triển rừng.
Do thường xuyên bám sát địa bàn, tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho Nhân dân nên năm 2014 trên địa bàn TP không xảy việc chặt phá rừng. Năm qua, đã xảy ra 16 vụ cháy, thiệt hại 16,5ha và 1 vụ cháy 18ha thảm thực bì tại Ba Vì. So với cùng kì năm 2013, số vụ cháy giảm trên 50%, diện tích cháy giảm 70%.

Hiện nay, trên địa bàn TP có 282 cơ sở đăng ký gây nuôi, phát triển động vật hoang dã; cấp mới và đổi 45 giấy chứng nhận đăng ký cho các cơ sở. Chi cục Kiểm lâm đã xử lý 118 vụ vi phạm Luật BVPTR, tịch thu 287 cá thể động vật hoang dã, 90m3; Thu phạt hành chính và nộp ngân sách 2,83 tỷ đồng. Toàn TP hiện có 22 đơn vị sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp, 2 đơn vị nghiên cứu - sản xuất, 8 đơn vị sản xuất – kinh doanh và 12 hộ gia đình tham gia sản xuất. Hàng năm, TP sản xuất khoảng 7,5 triệu cây các loại.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Xuân Việt cho rằng, thời gian qua công tác QLPTR luôn được TP đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều bất cập như: Hiệu quả phát triển kinh tế rừng thấp; Quản lý kinh doanh, sử dụng động vật hoang dã thiếu chặt chẽ… Phó Chủ tịch yêu cầu, lực lượng kiểm lâm cần nâng cao năng lực, nghiệp vụ, trách nhiệm của mình với vai trò là lực lượng nòng cốt trong QL&PTR. Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT căn cứ vào các văn bản quy định của Bộ NN&PTNT khẩn trương đẩy nhanh tiến độ phân cấp quản lý rừng; Nghiên cứu thống nhất đầu mối thống kê, rà soát rừng.

Phó Chủ tịch cũng yêu cầu Sở Tài chính kiểm tra, cân đối phân bổ nguồn kinh phí đối với 28% diện tích rừng chưa được bố trí kinh phí thực hiện giao khoán. Đặc biệt, Sở NN&PTNT căn cứ vào đặc điểm tình hình của TP và cụ thể hóa các chính sách cuả T.Ư để đề xuất kinh phí thực hiện. Nếu chính sách nào còn bấp cập cần đề xuất chính sách mới phù hợp với điều kiện thực tế. Tiếp tục xây dựng kế hoạch BVPTR TP Hà Nội giai đoạn 2016 – 2020 để trình UBND TP phê duyệt. Cùng với đó phối hợp với trường ĐH lâm nghiệp (đơn vị tư vấn) quản lý chặt chẽ và khai thác hiệu quả thông tin dữ liệu sau khi kiểm kê rừng./.