Sớm hoàn thiện pháp lý căn hộ condotel, officetel

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Câu chuyện về tính pháp lý cho một số sản phẩm như căn hộ du lịch, biệt thự du lịch, văn phòng kết hợp lưu trú ngắn hạn... đã được đưa ra bàn luận từ nhiều năm nay. Đến hiện tại, tính pháp lý của những sản phẩm này chưa được rõ ràng. Do vậy, Hiệp hội Bất động sản (BĐS) Việt Nam (VNREA) lại vừa tiếp tục có văn bản gửi Quốc hội đề nghị sớm hoàn thiện pháp lý cho những sản phẩm nêu trên.

Một dự án căn hộ du lịch (condotel) tại Đà Nẵng. Ảnh: Anh Tuấn
Áp lực về quy chuẩn
Theo VNREA, những năm gần đây, thị trường đã chứng kiến bước phát triển đột phá của phân khúc BĐS du lịch về quy mô thị trường và tính đa dạng của các loại hình sản phẩm. Các sản phẩm mới như công trình căn hộ căn hộ du lịch (condotel), biệt thự du lịch (resort villa), văn phòng kết hợp lưu trú ngắn hạn (officetel); nhà trọ, phòng trọ cho thuê… phát triển mạnh và có đóng góp quan trọng vào nền kinh tế của các địa phương.
Kể từ năm 2014, BĐS du lịch đã phát triển mạnh, từ đó, nhiều nhà quản lý các cấp cứ loay hoay với hình thức tên gọi mới khi chuyển ngữ sang tiếng Việt và cho rằng còn thiếu khung pháp lý để quản lý các hình thức BĐS này. Sự thực, tên gọi chỉ là hình thức và trong tương lai còn biết bao nhiêu cách đặt tên mới nữa. Điều cốt yếu là cần xem xét nội dung gì mới ở đây để hoàn chỉnh khung pháp luật.
GS.TSKH Đặng Hùng Võ
Theo thống kê, hiện cả nước có 82.902 căn hộ du lịch, 28.099 biệt thự du lịch, 15.663 nhà phố thương mại (trong đó bao gồm các sản phẩm đã đưa vào sử dụng, các sản phẩm đã hoàn thiện xây dựng nhưng chưa đưa vào sử dụng. Dòng sản phẩm này đang được xây dựng và chuẩn bị xây dựng tập trung nhiều tại các địa phương như Bình Thuận, Khánh Hoà, Đà Nẵng, Phú Quốc, Quảng Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu… với tổng giá trị ước tính khoảng hơn 23 tỷ USD.
Tuy nhiên, các hoạt động đầu tư xây dựng chịu sự điều chỉnh của khoảng 12 luật khác nhau và rất nhiều nghị định, nghị quyết của cơ quan T.Ư, thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành. “Ngoài ra, còn có hơn 20.000 tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật, từ khâu xác định chủ trương đầu tư, nhu cầu vốn, chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư xây dựng và kết thúc đầu tư xây dựng đưa dự án vào vận hành khai thác, khiến cho áp lực về quy chuẩn, tiêu chuẩn đối với mỗi dự án là rất lớn” – đại diện VNREA cho hay.
Phân quyền cho từng cơ quan
Theo đánh giá của các chuyên gia, việc có quá nhiều quy định về pháp lý đang gây ra nhiều hệ quả lớn, gia tăng thời gian và chi phí tuân thủ, làm lỡ cơ hội đầu tư, tăng rủi ro đối với hoạt động kinh doanh của DN. Những bất cập này cần sớm được sửa đổi, hoàn thiện nhằm gia tăng hiệu quả đầu tư, kinh doanh; bảo đảm sự phát triển minh bạch của thị trường; bảo vệ quyền lợi của DN và người dân.
Chuyên gia nghiên cứu thị trường (Hiệp hội BĐS Việt Nam) Đoàn Văn Cương cho biết, cần phải có sự phân công nhiệm vụ và quyền hạn cụ thể đối với từng cơ quan trong việc giải quyết các hồ sơ, thủ tục liên quan đến những sản phẩm này. “Ví dụ, Bộ VHTT&DL nghiên cứu và ban hành quy chế về quản lý kinh doanh; Bộ TN&MT ban hành quy chế và chế độ sử dụng đất; UBND các tỉnh, TP quản lý công tác xây dựng, vận hành đối với các dự án kinh doanh dòng sản phẩm condotel, resort villa, officetel” – ông Cương nhìn nhận.
Đồng quan điểm, Tổng Thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam Đỗ Viết Chiến cho rằng, để giải quyết thực tế nêu trên, các bộ liên quan như xây dựng, TN&MT, VHTT&DL… cần ngồi lại với nhau, tìm biện pháp tháo gỡ các vướng mắc cho thị trường BĐS nói chung và condotel nói riêng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. “Việc tháo gỡ phải dựa theo nguyên tắc: Căn hộ condotel được xây dựng trên đất được quy hoạch là đất du lịch, dịch vụ, thương mại nghỉ dưỡng thì tuân theo Luật Du lịch để cho thuê có thời hạn. Trường hợp condotel xây dựng trên đất ở phải tuân theo Luật Nhà ở, tiêu chuẩn quy phạm về nhà ở để được cấp sổ đỏ vĩnh viễn” – ông Chiến cho hay.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần