Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sớm thành lập Ban điều phối ngành chè Việt Nam

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 26/4, Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) tổ chức hội nghị phát triển chè bền vững theo phương thức PPP tại Hà Nội.

Phát biểu tại hội nghị, ông Flavio Corsin - đại diện của tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững (IDH) cho rằng, ngành chè Việt Nam vẫn chưa được cơ cấu tốt tại cấp T.Ư, cấp tỉnh. Chất lượng chè Việt Nam còn thấp, nhiều nhà máy có hiệu quả sản xuất hạn chế. Trong khi đó, các hộ trồng chè tư nhân vẫn đang hoạt động riêng biệt và chưa có sự liên kết tổ chức thành các nhóm sản xuất, đồng thời chưa có nhận thức đầy đủ về lợi ích của việc sản xuất chè bền vững cũng như sự cần thiết trong việc sử dụng hóa chất nông nghiệp có trách nhiệm.
Trồng chè an toàn tại xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội
Trồng chè an toàn tại xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội
Theo số liệu của Cục Trồng trọt, quy mô sản xuất chè trong nước hiện còn nhỏ, bình quân chỉ khoảng 0,2 ha/hộ nên khó tiếp cận với các tiến bộ kỹ thuật mới và khó chứng chận chè an toàn. Bên cạnh đó, nhiều cơ sở chế biến được cấp phép xây dựng nhưng không có vùng nguyên liệu, trình độ công nghệ chế biến thấp dẫn đến chất lượng chè không cao. Hiện, giá xuất khẩu đang thấp nhất trong 10 nước xuất khẩu chè của thế giới.

Trước bối cảnh đó, các đại biểu tham dự hội nghị đề xuất Bộ NN&PTNT cần thành lập Ban điều phối ngành chè dựa trên mô hình Ban điều phối ngành cà phê, có sự tham gia của cơ quan quốc gia và cấp tỉnh bao gồm đại diện các địa phương có diện tích chè lớn.

Đề xuất này đã được Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát chấp thuận và yêu cầu Cục Trồng trọt sớm soạn thảo chương trình thành lập Ban điều phối ngành chè, trình Bộ trưởng trong tháng 5/2014 nhằm liên kết giữa các đơn vị sản xuất và có sự quản lý chặt chẽ trong ngành chè.