Cần cơ chế
Sơn Tây có tổng cộng 663,2ha rừng, trong đó diện tích rừng tự nhiên khoảng 4,8ha, còn lại là rừng trồng. Rừng có tại 9/15 xã, phường, trong đó Sơn Đông là xã có tỷ lệ rừng che phủ lớn nhất với khoảng 200ha. Công tác phát triển rừng luôn được UBND thị xã quan tâm, nên diện tích rừng tự nhiên không giảm đi, trong khi diện tích rừng trồng liên tục tăng qua các năm. Dù vậy, ở khía cạnh kinh tế đang là bài toán khó không chỉ với riêng thị xã Sơn Tây, mà còn ở nhiều địa phương có rừng khác trên địa bàn TP như Sóc Sơn, Ba Vì, Mỹ Đức... Ông Nguyễn Long Giang - Chủ tịch UBND xã Sơn Đông cho biết, là địa phương có diện tích rừng tương đối lớn nhưng phần quản lý của các hộ nông dân lại ít, phân tán, xen kẽ giữa các khu dân cư. Hơn nữa, việc đầu tư của các hộ vẫn chủ yếu dựa vào nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước nên việc phát triển rừng sản xuất chưa thực sự đem lại hiệu quả như mong đợi. Thực tế cho thấy, hiện trên địa bàn thị xã Sơn Tây, giá trị kinh tế từ rừng sản xuất chỉ khoảng 2 - 3 triệu đồng/ha/năm.
Trưởng phòng Kinh tế thị xã Sơn Tây Phùng Huy Vinh cho rằng, việc chưa có những chế độ, chính sách, mức hỗ trợ cụ thể, rõ ràng cho các hộ gia đình và chủ nhận giao khoán rừng (như phí bảo vệ rừng, tiền hỗ trợ tham gia công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) rừng…) chính là nguyên nhân khiến người dân chưa thực sự mặn mà với rừng. Do đó, để rừng sản xuất có thể trở thành một hướng thoát nghèo, nhất là cho người dân vùng đồi, gò, rất cần sự quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn từ các cấp, ban, ngành của TP.
Chủ động phòng, chống cháy rừng
Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, năm 2013 và 11 tháng năm 2014, trên địa bàn thị xã Sơn Tây đã xảy ra 3 vụ cháy rừng gây thiệt hại gần 3ha rừng trồng, làm ảnh hưởng trực tiếp tới kinh tế - xã hội, môi trường sinh thái, cảnh quan du lịch và thu nhập của người trồng rừng. Chính vì vậy, công tác bảo vệ, trọng tâm là PCCC rừng luôn được các cấp, ban, ngành chức năng của thị xã đặc biệt quan tâm. Theo ông Vinh, Sơn Tây đã xây dựng kế hoạch phát triển rừng đến năm 2015, giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, sẽ trồng mới 30.000 cây phân tán, chuyển đổi 100ha rừng keo, bạch đàn hiệu quả thấp sang rừng sinh thái, xây dựng vườn ươm với 200.000 - 300.000 cây/năm, mục tiêu là nâng độ che phủ rừng lên 7% vào năm 2020. Để chủ động trong công tác PCCC rừng, thị xã đã và đang tiến hành xây dựng 10km đường băng trắng cản lửa, 10km đường lâm nghiệp, 15 biển nội quy bảo vệ rừng và 10 bảng cấp dự báo cháy rừng, đồng thời bảo dưỡng, sửa chữa 2 chòi canh lửa và một đập chứa nước… Cùng với phát triển kinh tế từ rừng, công tác PCCC rừng luôn được Sơn Tây xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng năm.
Ông Đặng Vũ Nhật Thăng - Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây cho rằng, ngoài việc nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về PCCC rừng tới mọi tầng lớp Nhân dân; chuẩn bị sẵn sàng mọi nguồn lực để thực hiện tốt công tác PCCC rừng theo phương châm “4 tại chỗ”… Bên cạnh đó, lãnh đạo thị xã mong muốn TP tiếp tục quan tâm, hỗ trợ kinh phí để Sơn Tây thực hiện chuyển đổi, giao khoán rừng, xây dựng - cải tạo các công trình lâm sinh, phục vụ công tác bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn thị xã.
Diễn tập phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn thị xã Sơn Tây sáng 3/12/2014.
|