Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sơn Tây nhân rộng mô hình “nhà vệ sinh thân thiện”

Bài, ảnh: Phạm Hảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuối tháng 3/2019, trường Tiểu học Trần Phú (thị xã Sơn Tây) hoàn thiện và đưa vào sử dụng khu nhà vệ sinh thân thiện. Không chỉ sạch sẽ, không còn mùi hôi mà khi đi vệ sinh các em học sinh còn nghe tiếng nhạc du dương từ các thiết bị lắp đặt tại đây.

Trường Tiểu học Trần Phú hiện có trên 1.000 học sinh học tập tại trường, trong đó có hơn 900 học sinh ăn bán trú tại trường nên nhu cầu sử dụng nhà vệ sinh hàng ngày là rất lớn. Tuy nhiên, do được xây dựng từ lâu nên khu vệ sinh cũ đã xuống cấp, học sinh ngại không muốn sử dụng.
 Nhà vệ sinh thân thiện tại trường Tiểu học Trần Phú, thị xã Sơn Tây.
Từ những trăn trở ban đầu, cô giáo Hiệu trưởng Nguyễn Thị Phi Nga cùng Ban giám hiệu nhà trường đã mạnh dạn xin nguồn kinh phí đầu tư từ UBND thị xã, xây dựng công trình nhà vệ sinh với 8 phòng (4 phòng nam, 4 phòng nữ), diện tích gần 300m2, khang trang, sạch sẽ. Công trình được xây dựng theo đúng tiêu chuẩn và được lắp đặt các thiết bị hoàn chỉnh như bồn cầu, hệ thống vách ngăn khép kín, hệ thống vòi nước, chậu rửa tay, có xà phòng rửa tay để các em rửa tay, rửa mặt trước và sau khi ăn, khi ngủ dậy hoặc sau khi đi vệ sinh.
Đáng chú ý, việc lắp đặt mở nhạc trong hai nhà vệ sinh cũng là cách làm hay mà lãnh đạo trường đã học tập được ở các trường khác trên địa bàn TP Hà Nội. Trang thiết bị gồm các cặp loa thiết kế nhỏ gọn vì không cần công suất phát lớn, thẻ nhớ, đầu đọc... Để tiện quản lý, vận hành, trường đã lắp đặt một thiết bị cảm ứng, bấm ngắt tự động. Vì vậy, các thiết bị này chỉ hoạt động khi có học sinh sử dụngnhà vệ sinh và máy sẽ tự động tắt khi nhà vệ sinh không có người.
Với nhận thức “công trình phụ” nhưng phải luôn sạch sẽ, nhà trường đã lồng ghép nội dung tuyên truyền, giáo dục học sinh trong giờ chào cờ, phát tờ rơi, giáo dục trong giờ sinh hoạt lớp về cách sử dụng nhà vệ sinh chung, biết giữ vệ sinh, tiết kiệm nước và bảo quản trang thiết bị trong phòng vệ sinh. Đồng thời thường xuyên kiểm tra, giám sát việc sử dụng, bảo quản của học sinh, nhắc nhở kịp thời các em học sinh chưa làm đúng, nghịch ngợm...
Cùng với đó, để nhà vệ sinh và khu vực xung quanh luôn sạch sẽ, nhà trường đã quán triệt và giao nhiệm vụ cho bộ phận lao công thu dọn, lau chùi thường xuyên. Ban Giám hiệu và các bộ phận khác của trường sẽ kiểm tra bất cứ lúc nào. Nhà trường cũng giao cho bộ phận y tế, đoàn thanh niên, đội thiếu niên của trường thường xuyên theo dõi, giám sát.
Ngay sau khi đưa vào sử dụng, vận hành mô hình “nhà vệ sinh thân thiện” trường Tiểu học Trần Phú đã nhận được nhiều ý kiến phản ánh tích cực của học sinh, giáo viên và phụ huynh cũng như khách đến thăm trường. Nhiều trường học khác trên địa bàn thị xã cũng đã đến tham quan, học tập mô hình này để xây dựng kế hoạch triển khai. Ngoài tạo cho học sinh, giáo viên, nhân viên trường được sử dụng nhà vệ sinh sạch sẽ, thoáng mát, đây cũng là cách giáo dục học sinh nâng cao ý thức cá nhân, giữ gìn vệ sinh chung khi sử dụng nhà vệ sinh công cộng.
Theo lãnh đạo Phòng GD&ĐT thị xã Sơn Tây, một trong 9 nhiệm vụ của ngành giáo dục thị xã cần phải thực hiện trong năm học này là giải quyết tình trạng thiếu nhà vệ sinh và công trình nước sạch trong các cơ sở giáo dục; không đưa vào sử dụng các công trình trường, lớp học, nhà vệ sinh chưa đảm bảo an toàn theo quy định. Do đó, thời gian tới thị xã sẽ nhân rộng mô hình “nhà vệ sinh thân thiện” trong các trường học. Qua đó không chỉ tạo tâm lý thoải mái cho học sinh sau những giờ học căng thẳng mà qua đó còn góp phần xây dựng môi trường, cảnh quan thị xã ngày càng xanh – sạch – đẹp.