Nhà E4, Khu tập thể Đại học Y Hà Nội được xây dựng từ năm 1974 với mục đích ban đầu là phục vụ sinh viên nên hầu hết các căn phòng đều có diện tích rất nhỏ (khoảng hơn 10 m2), không có bếp, không có khu vệ sinh riêng. Từ khi được chuyển thành khu nhà ở cho cán bộ trường Đại học Y Hà Nội, các hộ dân tại đây đã cơi nới, dựng thêm "chuồng cọp" để làm nhà vệ sinh, bếp, phòng tắm. Do cơi nới nên hệ thống thoát nước của các hộ đều không được đấu nối vào hệ thống thoát nước chung mà thông qua những ống nhựa dẫn nước thải từ "chuồng cọp" đổ thẳng ra sông Lừ trước nhà E4.
Tình trạng trên kéo dài trong nhiều năm khiến nước thải sinh hoạt, nước từ nhà vệ sinh tích tụ tại sông Lừ bốc mùi khó chịu, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, sức khỏe của người dân nơi đây. Bà Lê Thị An, một người dân sống gần nhà E4 cho biết: "Ngày mưa còn đỡ, chứ vào những ngày nắng mùi hôi thối bốc lên nồng nặc rất khó chịu, khiến những ai đi qua đây cũng phải bịt mũi, nín thở". Cũng theo một số người dân, nhiều ống nước lâu ngày không được thay thế nên đã rạn nứt chỉ chực chảy xuống đầu những người và phương tiện đi qua ngõ.
Ống dẫn nước thải sinh hoạt chăng đầy ngõ, chảy thẳng xuống ngõ đi chung.
Để hạn chế tình trạng ô nhiễm, người dân đã xây tường rào để ngăn cách khu nhà ở với sông Lừ. Tuy nhiên, khi dự án cống hóa sông Lừ được thi công, tường rào bị phá bỏ, các ống xả trơ ra, nước thải chảy lênh láng trên mặt đất, tiến sát vào nhà dân khiến tình trạng ô nhiễm càng diễn ra nghiêm trọng.
Đã có dự án cải tạo nhưng...
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Đinh Quốc Trung, Phó Chủ tịch UBND phường Trung Tự thừa nhận, tình trạng ô nhiễm môi trường tại nhà E4 đã tồn tại từ lâu. Tuy nhiên, không thể xử lý triệt để được vấn đề này vì khi cán bộ UBND phường xuống xử lý những trường hợp bắc ống nước gây mất mỹ quan đô thị nhưng không thể xử lý đối với những đường ống dẫn nước thải sinh hoạt của các hộ dân. Bởi, nếu phá dỡ đường ống dẫn nước thải của người dân nhà E4 thì không biết lượng nước thải của các hộ dân tại đây sẽ thoát đi đâu?
Theo tìm hiểu của chúng tôi, sau khi chuyển thành nhà ở cho cán bộ trong trường, khoảng năm 2006, trường Đại học Y đã bàn giao khu nhà trên cho Sở TN&MT quản lý. Năm 2007, UBND phường Trung Tự và quận Đống Đa đã thuê đơn vị khảo sát, kiểm tra nhà E4 và xếp khu nhà này vào diện nguy hiểm. "Tuy nhiên, nhà E4 đang "ăn theo" kế hoạch cải tạo, nâng cấp Khu tập thể Khương Thượng. Chúng tôi được biết UBND TP Hà Nội đã giao cho ba đơn vị (trong đó Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội đóng vai trò chính) điều tra lập phương án quy hoạch nhưng tiến độ thực hiện đến đâu thì chúng tôi cũng không rõ" - ông Trung cho biết.
Năm 2012, trong khi chờ dự án cải tạo được triển khai, UBND phường Trung Tự đã có buổi làm việc giữa các hộ dân và Ban QLDA Thoát nước Hà Nội để phối kết hợp cải tạo hệ thống thoát nước nhà E4. Phương án đưa ra là các hộ dân bỏ tiền, Ban QLDA Thoát nước Hà Nội bỏ công, nhưng đến thời điểm này, không hiểu vì sao vẫn chưa được triển khai?
Trong lúc các phương án xử lý từ các cơ quan chức năng, người dân tại khu vực nhà E4 vẫn đang phải hàng ngày, hàng giờ sống chung với tình trạng ô nhiễm môi trường. Hơn lúc nào hết, các hộ dân nhà E4 mong mỏi dự án cải tạo chung cư cũ nhanh chóng được triển khai, vừa để cải thiện nơi ở, vừa cải tạo cảnh quan môi trường đô thị.