Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sóng đánh cao 3m, sơ tán gần 100 nghìn dân tại địa điểm tâm bão số 9 dự kiến đổ bộ

Trương Huyền
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 24/11, tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã xuất hiện tình trạng mưa lớn, sóng biển đánh cao từ 2,5 m đến 3 m. Đây là địa phương trọng điểm dự kiến chịu nhiều ảnh hưởng của bão số 9.

 
Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia thông tin, hồi 16h ngày 24/11, vị trí tâm bão số 9 ở vào khoảng 9,7 độ Vĩ Bắc; 108,4 độ Kinh Đông, cách Phan Thiết khoảng 140km, cách Vũng Tàu khoảng 150km, cách Bến Tre 200km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 - 10 (75 - 100km/giờ), giật cấp 12.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây mỗi giờ đi được khoảng 10 - 15km. Đến 4h ngày 25/11, vị trí tâm bão ở ngay trên bờ biển các tỉnh từ Nam Bình Thuận đến Bến Tre. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 - 9 (60 - 90km/giờ), giật cấp 11.
Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 - 15km và đi vào đất liền các tỉnh từ Nam Bình Thuận đến Bến Tre với cường độ mạnh cấp 7 - 8 và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó là một vùng áp thấp trên khu vực đất liền Nam Bộ.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 9, trong đêm nay và ngày mai (25/11), ở các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận, khu vực Nam Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 100 - 200mm, có nơi 250 - 300mm; khu vực Bắc Tây Nguyên và Tây Nam Bộ có mưa to 50 - 100mm.
Từ đêm mai (25/11) đến đêm 27/11, do ảnh hưởng hoàn lưu sau bão kết hợp với không khí lạnh từ phía Bắc tăng cường nên mưa to đến rất to mở rộng ra các tỉnh từ Quảng Trị đến Khánh Hòa, lượng mưa phổ biến: các tỉnh Quảng Trị, Khánh Hòa (50 - 80mm/ngày); ở Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Phú Yên (80 - 150mm/ngày); ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định (100-200mm/ngày).
Thành phố Hồ Chí Minh trong tối và đêm nay có mưa rất to (200 - 250mm) và có khả năng dông, lốc xoáy. Nguy cơ rất cao mưa lớn kết hợp triều cường gây ngập lụt diện rộng.
Lực lượng Biên phòng Bà Rịa - Vũng Tàu phát loa thông báo ngư dân lên bờ
Theo ghi nhận thực tế, đến chiều 24/11, tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã xuất hiện tình trạng mưa lớn, sóng biển đánh cao từ 2,5 m đến 3 m. Đây là địa phương trọng điểm của bão số 9, nhiều điểm xung yếu.
Trực tiếp thị sát công tác phòng chống mưa bão tại đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhận định: Đây là cơn bão không quá lớn nhưng nguy hiểm, không thể chủ quan. Bộ trưởng lo ngại về việc cơn bão số 9 rơi vào khu vực Đông Nam Bộ là vùng rất ít bão, nếu công tác chuẩn bị không cẩn thận dễ rơi vào tâm lý chủ quan. Ngoài ra, bão đổ bộ vào thời điểm triều cường đang cao, tương tác với gió mùa Đông Bắc, lại vào ban đêm, cộng hưởng nhiều yếu tố nên khả năng mưa lớn.
Bộ trưởng nhắc nhở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thực hiện nghiêm công điện của Thủ tướng. Tiếp tục rà soát lại tổng thể các phương án chống bão, thực hiện việc di dời dân và chủ động lên phương án đề phòng ở mức cao nhất.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đến trưa 24/11, toàn tỉnh có gần 5.000 tàu đã vào bờ an toàn, số khác đang hoạt động ngoài vùng nguy hiểm. Các địa phương đã rà soát các khu vực xung yếu, các vùng có nguy cơ cao, lên phương án chi tiết sơ tán theo kế hoạch phòng chống thiên tai.
Theo đó, số người phải sơ tán là hơn 97.000 người, trong đó sơ tán tại chỗ gần 40.000 người, sơ tán tập trung hơn 25.000 người. Hiện có khoảng 1.500 du khách vẫn đang lưu trú tại các khách sạn trên địa bàn tỉnh (cả huyện Côn Đảo).
Hiện Bà Rịa - Vũng Tàu có 55 công trình thủy lợi, gồm các hồ chứa, đập nước và đê ngăn mặn… Trữ lượng của các công trình hiện đang đạt 72,67% dung tích thiết kế. Dự kiến 4 công trình sẽ xả lũ gồm Hồ chứa nước Sông Ray, hồ Sông Hỏa, hồ Đá Đen và đập dâng Cầu Mới, thời gian xả lũ dự kiến từ 8h ngày 25/11 đến 8h ngày 5/12.