Sống đẹp nơi công sở

Song Ngư
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dịp 30/4 vừa rồi tôi về trường cấp 3 dự hội khóa sau 20 năm ra trường. Ai nấy đều tay bắt mặt mừng, thăm hỏi râm ran sau rất nhiều năm gặp lại nhau.

Thôi thì đủ chuyện, nhưng mấy câu cốt yếu: Hiện đang làm gì, ở đâu, lương cao không, xây được nhà to chưa, mua xe gì rồi… thì có mặt ở tất cả các cuộc đối thoại. Thật bất ngờ khi tôi trả lời tôi chỉ là một công chức bình thường, một vài bạn tỏ ra ái ngại: "Dân công sơn à, nhiều áp lực lắm phải không?". Tôi cười đáp lời: "Áp lực mà bạn nói là gì vậy?", họ thành thật: "Thì đấu đá, ganh ghét, đố kị... vân vân". Tôi lại cười: "Ở đâu mà chẳng gặp những chuyện đó, vấn đề chỉ là những người trong cuộc ứng xử với nhau thế nào cho phải mà thôi".

Cán bộ Bộ phận Một cửa phường Kim Giang, quận Thanh Xuân trả kết quả giấy tờ cho người dân. Ảnh: Thanh Hải

Thực tình, khi còn nhỏ, tôi đã từng mơ ước được trở thành một viên chức, làm việc ở công sở, với máy tính, đồng phục thanh lịch, sang trọng. Nhưng rồi, càng trưởng thành, tôi càng dần xa ước mơ đó. Thậm chí trước khi thi đại học và trong khi học đại học, tôi luôn tự nhủ sẽ trở về quê hương, làm một người viết tự do không hề có ý định trụ lại Hà Nội. Lý do rất đơn giản: Tôi sợ môi trường công sở. Suốt nhiều năm tháng, khi đọc sách, báo, xem phim, nghe kể chuyện, tôi bị một nỗi hoang mang ám ảnh về công sở, mà ở đó người ta không lo làm ăn, chỉ lo nói xấu nhau. Công sở như chốn thâm cung của hoàng đế, mà các cuộc đấu giành quyền lực luôn thường trực, kẻ yếu hơn, kém may mắn hơn sẽ bị loại... Nhưng khi vào đời, tôi nhận ra hình như không phải như vậy.

Tôi có một người bạn gái khá thông minh và giỏi chuyên môn, nhưng nhan sắc khiêm tốn. Hiện cô đang giữ một vị trí khá trong một công ty mà ở đó nổi tiếng thải loại nhân viên nhiều và nhanh. Cô có lương cao và cuộc sống khá mãn nguyện. Tôi ngạc nhiên là cô không phải sử dụng đến chuyên môn nhiều lắm, chủ yếu là đi du lịch, mua sắm. Tuy nhiên, dù đi chơi và mua sắm nhiều, nhưng cô ăn mặc rất đơn giản, có phần hơi lỗi model. Cho đến một ngày nọ, cô tiết lộ bí mật được sếp tin dùng: Không được xinh đẹp hơn sếp, không giỏi hơn sếp. Vì sếp cô, một phụ nữ luôn không cho phép bất cứ một nhân viên nữ nào giỏi hơn và đẹp hơn mình. Thực ra, đố kị, săm soi, nói xấu... là căn bệnh trầm kha, là đề tài quen thuộc của các lĩnh vực nghệ thuật, là câu chuyện thường ngày của báo chí, là một hiện tượng bình thường mà những người trong cuộc đối mặt. Đó không phải là chuyện bây giờ mới kể, mà thậm chí nó còn được dùng bởi một từ tiếng lóng: “chuyện công sở.”

Một người bạn khác của tôi ở nông thôn ra TP chăm con ốm, khi trở về, cậu ấy thắc mắc: "Ở TP mọi người đều làm ở cơ quan trong 8 giờ hành chính, vậy sao lúc nào cũng trong tình trạng giờ cao điểm, lúc nào cũng thấy nhân viên công sở phóng xe ngoài phố? Tớ tưởng trong giờ hành chính thì chỉ có người dân thường nghỉ hưu, dân buôn bán đi lại thôi chứ?". Tôi trả lời bạn rằng: Tuy lúc nào các quán cà phê cũng đông khách, ngoài phố đông người, nhưng họ làm việc hiệu quả lắm, nhờ công nghệ cao, không nhất thiết phải ngồi ở văn phòng.

Dẫu vậy, nhưng cũng không thể phủ nhận một thực tế rằng, có những công sở dù có đúng giờ hành chính thì hiệu quả công việc thực sự chưa hẳn đã cao. Vẫn có những người đến cơ quan sớm, về muộn, nhưng thực chất là trốn tránh việc nhà, việc của họ ở cơ quan chủ yếu là… chơi điện tử, chat facebook, nên lúc nào họ cũng sẵn sàng bình luận, hay bấm like (thích) bất cứ một trạng thái nào mà bạn vừa đăng. Có những người đến cơ quan sớm để… nấu ăn sáng, nấu bữa trưa cho gia đình mình. Mùa Hè, họ có mặt ở công sở gần như suốt cả ngày, vì ở đó có máy lạnh miễn phí. Họ ăn mặc phản cảm đến cơ quan để khoe… đồ lót hàng hiệu…

Đến đây, tôi chợt nhớ một câu chuyện cũ. Chuyện kể rằng, ở vương quốc xa xôi, có ông vua mở một cuộc tranh đua để chọn người kế vị ngai vàng. Luật của cuộc đua tranh là: Ai tố cáo được nhiều nhất thói hư tật xấu của các vị cận thần thì xứng đáng lên ngôi. Để giành ngôi báu, các quan cận thần, các vương tôn công tử đều ra sức tìm cách bới móc thói hư tật xấu của người khác. Dần dần, ngay cả những người từng thân nhau nhất cũng không buông tha nhau. Ngày quan trọng nhất đã đến, trước mặt bá quan văn võ, hoàng thân quốc thích, nhà vua cho mời một vị quan không tố giác được ai đến tra hỏi: “Vì sao ngươi không tố giác được thói hư tật xấu của người khác? Nhà ngươi thờ ơ với những việc làm xấu của các quan thì làm sao có thể trị vì vương quốc?”. Vị quan bình thản trả lời: “Tâu hoàng thượng. Các vị bá quan văn võ của ngài chỉ lo bới móc thói hư tật xấu của nhau, mà không chăm lo cho đời sống Nhân dân thì xứng đáng hơn thần hay sao?”.

Trở lại câu chuyện của tôi. Dù ngại sống trong môi trường công sở, nhưng do một nhân duyên, tôi vẫn trở thành một viên chức. Ban đầu, tôi lo lắng vì những tin đồn đấu đá săm soi ở cơ quan nơi tôi đang làm việc và nghĩ sẽ sớm từ bỏ để trở về quê. Nhưng khi bình tâm sống với môi trường mới, tôi chọn cho mình một thái độ lạc quan và chỉ chăm lo hoàn thành tốt công việc của mình. Dần dần, tôi đã hòa đồng với mọi người, nên dù không ở phe nào, tôi vẫn được đồng nghiệp quý mến, công việc vẫn trôi chảy. Tôi tự hào vì mình được làm công việc yêu thích, đúng chuyên môn mà không phải lo lắng như trước.

Tôi hiểu, sống đẹp ở công sở, hay bất cứ môi trường nào đều phụ thuộc vào chính sự lựa chọn cách ứng xử của chính người trong cuộc.