Song hành hạnh phúc

Đan Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong tháng 3, rất nhiều phụ nữ đã được các cấp hội biểu dương là “Phụ nữ hai đảm”. Mỗi người một cương vị, hoàn cảnh sống khác nhau, nhưng điểm chung ở họ là sự phấn đấu hết mình, luôn bị cuốn vào “núi” công việc, bị quay vòng giữa cơ quan với gia đình.

 Ảnh minh họa.
Gia đình hiện đại không chỉ kéo theo sự thay đổi về giá trị sống, mà những quan niệm về những vị trí trong gia đình cũng thay đổi nhiều. Như các chuyên gia nhận xét, gia đình “một cột” đang chuyển sang “hai cột” khi người vợ cũng tham gia công việc xã hội, là người làm ra kinh tế cho gia đình. Có lẽ vậy, nên sự cân bằng giữa vai trò làm mẹ và công danh của người phụ nữ hiện đại cũng có nhiều điều đáng ngẫm.
Người phụ nữ ngày càng hiện đại và năng động hơn, họ có mặt trong tất cả các lĩnh vực quan trọng của đời sống, từ văn hóa chính trị cho đến kinh tế. Thực tế đã khẳng định khả năng và sự thành đạt của họ. Nhưng về nhà, là người của gia đình, người phụ nữ luôn giữ lửa cho mái ấm của mình. Tuy nhiên, để làm được điều này, họ phải đấu tranh rất nhiều, hy sinh không nhỏ, đôi khi là cả những giọt nước mắt...

Nhanh nhẹn, quyết đoán và chân thành là cảm nhận của mọi người khi tiếp xúc với chị Nguyên Ly. Với cương vị lãnh đạo một công ty, chị còn phải chăm sóc cho hai con trai đang tuổi ăn, tuổi lớn. Theo chị, “để có được hai chữ thành đạt, nam giới phấn đấu một, thì mình phải gấp đôi, có khi còn hơn vậy. Bởi dù ở vị trí nào, thì hạnh phúc gia đình vẫn là trên hết”. Vậy nên dù công việc ngập đầu, bếp nhà chị luôn ấm, bởi sau những giờ vất vả, chị lại trở về làm một phụ nữ của gia đình, người vợ đảm đang, người mẹ mẫu mực. Chồng chị luôn công tác xa, mỗi tháng về nhà hai lần, vậy là tranh thủ những dịp gia đình sum họp, chị nấu những món ăn anh thích và cùng bàn luận về cách giáo dục con.

Chị Thanh Nga - một giám đốc DN trẻ của Hà Nội nói, để có sự thành đạt, chị đã phấn đấu rất nhiều. Cả khi gặp thất bại chị cũng không nản, cuối cùng chị đã thành công... Với nam giới, con đường thăng tiến có vẻ như suôn sẻ và thuận lợi hơn phụ nữ nhiều, bởi sau lưng họ đã có các chị - hậu phương vững chắc, thay họ quán xuyến gia đình, chăm sóc con cái. Nhưng với phụ nữ, để khẳng định mình bằng con đường công danh không đơn giản. Nhiều người cho rằng phụ nữ có nhiều lợi thế trong công việc. Không sai! Với bản tính dịu dàng, cần mẫn, họ xử lý công việc khéo léo, nhẹ nhàng hơn, nhưng họ cũng gặp không ít khó khăn khi phải vừa vun vén cho gia đình, vừa phải hoàn thành việc cơ quan. Dù vậy, chỉ cần sự động viên, chia sẻ của gia đình là đã đủ tiếp thêm sức mạnh để họ bước tiếp.

Thực tế, mỗi ngày với “núi” công việc cả chung và riêng, những người phụ nữ vì mong muốn khẳng định khả năng, bản lĩnh, vị trí trong xã hội, họ đã nỗ lực hết mình. Chị Hồng Giang - một giám đốc trẻ chia sẻ: “Tôi có đứa con nhỏ chưa đầy 4 tuổi, đứa lớn 12 tuổi, việc đưa đón con đi học đều do ông xã đảm nhận. Nhưng những công việc dành sẵn cho người phụ nữ mình vẫn không thể lơ là. Công việc cứ xoay vòng, nhiều lúc thấy mình đuối sức, nhưng nhìn mọi thành viên trong gia đình có bữa cơm đầm ấm bên nhau, chia sẻ những khó khăn để tiếp tục vươn lên, là quên hết mọi vất vả...”. Một người phụ nữ khác - một nhà quản lý giỏi và cũng là một phụ nữ chuẩn mực trong gia đình cũng chia sẻ: Khi chưa lập gia đình, tôi vẫn nghĩ vì sao phụ nữ cứ phải buộc chặt vào gia đình, bếp núc... Nhưng sau khi kết hôn, tôi nhận ra rằng, phụ nữ dù có thành đạt đến đâu, chức vụ cao đến mấy, vẫn không thể xem là thành đạt nếu gia đình họ không hạnh phúc, êm ấm, không có bữa cơm ngon, con cái không được chăm sóc tốt...

Đằng sau thành công của người đàn ông là một người phụ nữ, vậy bây giờ đằng sau thành công của người phụ nữ là ai? Không ít người thành đạt, nhưng nếu người chồng và đôi khi cả con cái không chia sẻ, thấu hiểu thì gia đình sẽ đổ vỡ; nhưng trong cuộc sống vẫn có nhiều phụ nữ vừa thành đạt, vừa hạnh phúc. Họ là những người rất may mắn và cũng thường công nhận rằng đằng sau lưng họ có những người đàn ông - những người chồng luôn biết cảm thông, chia sẻ.