Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sống khổ trong nhà Tây tiền tỷ

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sống trong những ngôi biệt thự từ thời Pháp vốn được xem như những “dinh thự” được săn đón với giá hàng trăm triệu/m2 là những nỗi khổ với sự phá vỡ quy hoạch kiến trúc.

“Giữa trưa không thấy ánh sáng mặt trời”

Đi qua các con phố Lê Hồng Phong, Hoàng Diệu, Phan Đình Phùng, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt… vốn được coi là phố biệt thự thì giờ đây phải để ý lắm mới có thể nhận ra dáng những ngôi biệt thự ngày nào những mái cong còn nhấp nhô, hay mảnh tường vàng lấp ló qua những dãy nhà lô nhô cao thấp.

Lách qua con đường nhỏ chạy dọc ngang tòa biệt thự trên phố Nguyễn Thái Học là nơi an cư của hơn chục hộ dân. Mọi không gian của ngôi biệt thự đều được tận dụng một cách tối đa. Dọc trên lối vào được đặt những vòi nước sinh hoạt. Phía trên được kéo ra mọc thêm nhiều chuồng bò, chuồng cọp, nhiều phòng rộng trước kia được chia làm 3, làm 4 để đủ phòng cho các hộ sinh sống.
 
Sống khổ trong nhà Tây tiền tỷ - Ảnh 1

Người dân phải xoay đủ kiểu trong những nhà biệt thự cũ để có được không gian sống

Bác Nguyễn Thị Hiền – một hộ dân cho biết: “Sống trong biệt thự nhưng nhiều hộ cùng sinh sống thì cũng không khác gì sống trong các khu tập thể nhưng muốn thành khu tập thể thì phải xoay đủ kiểu để có không gian”.

Nhiều biệt thự trên phố cổ giờ đây được sử dụng theo kiểu nửa nhà – nửa kho. Phía dưới được tận dụng mặt tiền làm cửa hàng kinh doanh, buôn bán, sâu bên trong là khoảng không gian sinh hoạt của gia đình, phía trên trở thành những nhà kho cất giữ hàng hóa. Không ít những biệt thự chỉ còn nham nhở dáng dấp ở tầng 1, tầng 2 tầng 3 được xếp chồng xây mới để có thêm không gian sinh hoạt.

Trong những ngôi biệt thự xưa, không còn những khoảng sân vườn rợp bóng cây xanh, không còn nhận ra những điểm nhấn kiến trúc mà giờ đây là không gian chật chội, tù túng. Những không gian bị xếp chồng lên nhau chồng chéo theo đầy những ba lô được cơi nới tối tăm, ẩm thấp.

Bà Thương cho hay: “Biệt thự hay nhà cổ thì bây giờ cũng đều là nhà chật người đông. Phải chen chúc chia nhau từng chút không gian mà sống. Đấy sống giữa thủ đô nhưng giữa trưa không thấy được ánh sáng mặt trời”.

Được – mất bán hay giữ?

Theo dự thảo Quy chế quản lý quỹ nhà biệt thự do Pháp để lại Sở Xây dựng thành phố Hà Nội trình UBND thành phố trong đó đề xuất cơ chế tạo điều kiện cho tư nhân tham gia cải tạo, bảo tồn...sự chỉnh sửa, thay đổi kiến trúc phải xin phép và được sự đồng ý của cơ quan quản lý nhà nước.

Nhắc đến sự mua bán biệt thự trên thị trường anh Phạm Minh Hùng – sống tại biệt thự trên phố Phan Đình Phùng bày tỏ: “Thực ra việc tư nhân đi thu mua biệt thự cổ có từ lâu rồi. Mua bán thì đối với những hộ gia đình như chúng tôi đều muốn có được nơi ổn định sau khi chuyển đi. Nhưng tâm lý của nhiều người ở biệt thự hiện nay là còn ngóng chỗ này, xem chỗ kia vì giá cả hiện nay cũng không biết thế nào mà mua, mà bán”.
 
Sống khổ trong nhà Tây tiền tỷ - Ảnh 2

Thay vào sự sang trọng điểm tô cho phố phường, nhiều biệt thự cổ giờ đây trở thành sự nhếch nhác, luộn thuộm trong kiến trúc đô thị

Dù sống trong cảnh “giữa trưa không thấy ánh sáng mặt trời” nhưng bà Thương cũng cho hay: “Người ta ở lại những nhà cổ, nhà cũ chen nhau sống trong chục m2 cũng có cái cớ riêng. Có thể khổ về điều kiện nhưng về địa thế, về việc kinh doanh buôn bán thì ở những khu rộng cả trăm m2 lại không có được. Đi hay ở, bán – mua với chúng tôi cũng còn dựa nhiều vào chủ trương, chính sách. Nếu đến nơi mới không thể bằng nơi cũ thì cũng không muốn bán, muốn chuyển”.

Trong khi TP vẫn đang loay hoay với bài toán bảo tồn những biệt thự cổ thì nhiều ngôi biệt thự cổ vẫn đang xuống cấp, mất đi. Trên thực tế, đã có nhiều biệt thự được nhà nước quản lý bảo tồn và vẫn giữ được cái hồn cốt của một thời lịch sử lắng đọng qua thời gian. Vậy với những biệt thự còn lại việc bán hay giữ sẽ liên quan đến những được – mất chỉ có điều không chỉ là ở giá trị tài sản mà đi theo đó còn là những giá trị lịch sử, văn hóa. Việc cụ thể từ việc nghiên cứu, phân loại bảo tồn từng loại biệt thự đến những quy định trong bảo tồn gìn giữ cần phải được đưa ra một cách cụ thể, cẩn trọng.